Với lý do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, các mặt hàng thiết yếu trong nước như sữa, thức ăn chăn nuôi (TACN) đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá. Nhưng khi giá nhập khẩu đã giảm thì các mặt hàng này vẫn đứng ở mức cao.
Chỉ tăng không giảm
Trong vòng một năm qua, các công ty sản xuất TACN đã tăng giá tổng cộng 17 lần. Chỉ từ đầu năm đến nay, giá TACN đã tăng 7 lần với mức tăng tổng cộng từ 1.500-2.000 đồng/kg. Nguyên nhân mà các công ty đưa ra là giá các loại nguyên liệu tăng, chi phí đầu vào tăng và chênh lệch tỷ giá hồi đầu năm mà các DN phải chịu. Thế nhưng đã vài tháng nay, giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào giảm, tỷ giá USD/VND cũng giảm nhưng không thấy công ty nào giảm giá bán TACN thành phẩm trên thị trường. Nếu như hồi đầu năm, giá khô dầu đậu tương ở mức 462 USD/tấn thì nay chỉ còn 437 USD/tấn và những chuyến hàng sắp về tới cảng chỉ còn 428 USD/tấn. Một số loại nguyên liệu khác làm TACN thì giá nhập cũng giảm tương đối nhiều như lúa mì giảm từ 7.200 đồng/kg còn 6.700 đồng/kg; cám gạo từ 6.100 đồng/kg còn 5.800 đồng/kg (loại cám trắng) và 5.400 đồng/kg (cám bình thường)... Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, so với thời điểm tháng 6.2011, giá một số nguyên liệu TACN đã giảm nhẹ: như ngô giảm 7,7%, cám gạo giảm 4,6%, sắn lát khô giảm 4,8%, bột cá giảm 5,3%. Tuy nhiên, giá TACN thành phẩm không đổi trong tháng 7, tháng 8 và vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh gà Broiler 10.665 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh lợn thịt giai đoạn từ 60 kg đến xuất chuồng là 9.458 đồng/kg.
Tương tự, thị trường sữa thế giới sau khi có xu hướng ổn định trong tháng 3 và giảm nhẹ trong tháng 4, tháng 5… nhưng mặt hàng sữa trong nước vẫn tăng giá liên tiếp trong 5 tháng qua. Từ tháng 6 đến nay mới có xu hướng chững lại nhưng vẫn đứng ở mức cao dù phụ thuộc tới 75% vào nguyên liệu sữa thế giới. Theo ghi nhận của Thanh Niên, thị trường sữa bán lẻ tại TP.HCM mặc dù rất trầm lắng, mức tiêu thụ giảm nhưng giá sữa vẫn không giảm. Chủ cửa hàng sữa X.H trên đường Kỳ Đồng, Q.3 (TP.HCM) cho biết: “Thời gian qua các công ty sữa không giảm giá sữa bột, chỉ một số công ty khuyến mãi bằng hình thức tặng quà khi khách mua sữa nước”.
Cố tình "neo" giá cao
Đối với mặt hàng TACN, giám đốc kinh doanh của một DN sản xuất TACN tại Bình Dương, thừa nhận: “Giá nguyên liệu đầu vào đã giảm nhưng các DN chưa dám giảm giá bán ngoài thị trường vì lượng hàng bán ra từ đầu năm đến nay giảm đến 30% so với năm ngoái. Do người chăn nuôi giảm đàn nên lượng hàng tồn kho của các nhà máy hiện còn quá lớn, các công ty chưa dám hạ giá, chỉ một vài công ty hạ giá thông qua hình thức khuyến mãi”. Nhưng các chuyên gia thì cho rằng các DN TACN, trong đó dẫn đầu là các DN lớn, đã cố tình neo giá TACN để duy trì mức lợi nhuận cao trong khi lẽ ra phải giảm giá cho người dân khi nhiều loại giá đầu vào đã giảm.
Ông Nguyễn Chí Công, chủ trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai, bức xúc: “Lúc trước nhiều công ty sản xuất thức ăn lấy lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên phải tăng giá bán, nhưng cả tháng nay giá nguyên liệu chế biến thức ăn giảm rồi mà giá bán, của các nhà máy sản xuất TACN không giảm. Nhìn chung thì trước nay các công ty TACN chỉ có tăng giá bán chứ chưa bao giờ thấy hạ”.
Riêng mặt hàng sữa, ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân - Giám đốc đối ngoại của Công ty FriesLand Campina, lý giải: “Việc tăng giá hay giảm giá phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không hẳn chạy theo giá nguyên liệu. Khi giá nguyên liệu tăng chúng tôi đã cố gắng kiềm giữ một thời gian dài rồi mới điều chỉnh. Việc ký hợp đồng mua nguyên liệu cũng được ký kết trong thời gian dài nên biến động ngắn hạn của thị trường nhập khẩu không thể làm giảm giá sữa trong nước được”. Ông Trần Hữu Đức - Giám đốc đối ngoại Công ty Nutifood cũng cho biết: “Do giá nguyên liệu giảm theo mùa, chỉ giảm từ tháng 7-9, sau đó lại tăng do nhu cầu mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch nên các công ty sữa khó giảm giá bán sản phẩm”.
Theo ông Vũ Quốc Tuấn - Giám đốc đối ngoại Công ty Nestlé VN cho biết: công ty khó giảm giá sữa, chỉ có thể làm chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng.
Dù viện dẫn nhiều lý do khác nhau để giải thích cho việc chậm hạ giá, thế nhưng “căn bệnh” tăng xong quên giảm vẫn là tình trạng kéo dài lâu nay đối với nhiều mặt hàng thiết yếu và cần có sự quản lý sát sao hơn nữa của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo
Quang Thuần - Hoàng Việ
t
Thanh niên