Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn
18 | 07 | 2011
Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã phải co hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, tạm dừng hoạt động hoặc chuyển đổi, chuyển giao một phần sở hữu để tồn tại, thậm chí một số phải ngừng hoạt động.
Điển hình như: Hải Phòng, Đắk Lắk có gần 30% doanh nghiệp đình trệ sản xuất, có nguy cơ phá sản; Ninh Bình có 90% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chờ thời... Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trụ vững và tiếp tục phát triển, do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức ngày 19/7, tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An.
Tại hội nghị, các Hội doanh nghiệp trong cả nước đã phản ánh những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt, trong đó vướng mắc nhất là về vốn. Các doanh nghiệp đều than khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, do lãi suất cao vượt quá khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, phổ biến với lãi suất từ 20 đến 23%, cá biệt đến 25 - 28%, có lúc lên 30%; hạn mức cho vay lại hạn chế nên hầu như các doanh nghiệp nhỏ và vừa không vay được vốn trung, dài hạn.
Về tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cơ chế thì đã có, song chưa kịp thời thực hiện, quá trình xét duyệt cho vay lại quá chậm, khó khăn về thủ tục nên các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào như: xăng, dầu, điện, than...liên tục tăng giá, làm cho chi phí đầu vào tăng lên, sản phầm, hàng hoá khó tiêu thụ, bị tồn đọng nhiều đã ảnh hưởng rất lớn tài chính của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán thuế với Nhà nước, trả nợ ngân hàng và tiền công cho người lao động…
Các doanh nghiệp cũng đề nghị Nhà nước giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ, hàng xuất khẩu; sản xuất kinh doanh hàng nông, lâm, thuỷ sản; xây dựng các công trình phục vụ sản xuất công, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình giáo dục, y tế, văn hoá, phúc lợi...giãn thời hạn nộp thuế hết tháng 6/2012.
Trên cơ sở phản ánh của các doanh nghiệp, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như: có chính sách giảm thuế, lãi suất vay ngân hàng phải giảm trên cơ sở kìm chế lạm phát, lãi suất cần phải giảm cả đầu vào và đầu ra để đảm bảo hài hoà.
Mặt khác, theo ông Cao Sĩ Kiêm, cần hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như đã áp dụng năm 2010 trong chính sách kích cầu, kích thích phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước cần quy định và quản lý mức trần lãi suất ngân hàng thương mại cho vay phù hợp với thực tế khó khăn hiện nay, để cho doanh nghiệp giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động.
Các Ngân hàng thương mại cần minh bạch về chính sách cho vay cả về lãi suất, tăng hạn mức và thời hạn cho vay, đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp…
Về chính sách thuế, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, thủ tục được miễn giảm thuế, gia hạn nộp thuế liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang chịu tác động của lạm phát, giá cả tăng cao. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xúc tiến theo lộ trình thành lập Quỹ hỗ trợ, Quỹ bảo lãnh tín dụng có sự tham gia của nhiều thành phần; đồng thời quản lý chặt chẽ tiền tệ, hàng nhập khẩu nhằm tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước…/.
Theo TTXVN
 


Báo cáo phân tích thị trường