Thưa ông, tại sao các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông thôn đến nay vẫn chưa giúp được nhiều cho các doanh nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất?
Có thể nói, điều kiện, địa bàn để các doanh nghiệp nông thô hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đang yếu hơn hẳn các doanh nghiệp khác nói chung. DN nông thôn yếu thế cả về vốn, công nghệ, quản lý doanh nghiệp; đồng thời sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ngành với các doanh nghiệp này cũng kém hơn. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, doanh nghiệp nông thôn với các yếu kém như trên, đều khó đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện của các ngân hàng trong việc cho vay vốn. Hầu hết các ngân hàng đều có các tiêu chuẩn nhất định, doanh nghiệp nông thôn nếu không đáp ứng được thì cũng không thể vay vốn ngân hàng, dù Chính phủ có các chính sách khuyến khích hỗ trợ.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nông thôn có vốn ít mà điều kiện kinh tế thì khó khăn, với doanh nghiệp càng ít quan hệ với ngân hàng, càng không phải là khách hàng “ruột thịt” thì khó mà vay vốn được. Bên cạnh đó, các tổ chức ngân hàng trong bối cảnh khó khăn cũng “cụm” lại ở các thành phố nhiều quá, ở các vùng nông thôn ít nên doanh nghiệp càng khó tiếp cận vốn hơn.
Nhưng Chính phủ đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó cũng có hàng loạt các chính sách khác về vốn để hỗ trợ khu vực kinh tế nông thôn. Vậy tại sao các doanh nghiệp nông thôn chưa nhận được sự hỗ trợ?
Rõ nhất là lãi suất ngân hàng mới đây đã được giảm xuống còn 17 – 19%. Nhưng khó là doanh nghiệp nông thôn không đủ điều kiện vay vốn thì dù lãi suất hạ xuống, họ cũng khó tiếp cận. Chúng ta cần có giải pháp làm sao giúp các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện để vay vốn hoặc có các chính sách ưu tiên, ưu đãi thế nào thì doanh nghiệp nông thôn mới có thể được hưởng hỗ trợ. Có thể nói, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, và doanh nghiệp nông thôn nói riêng thời gian qua được Chính phủ đưa ra không phải là ít.
Ví dụ như doanh nghiệp được ưu tiên cấp tài chính, mặt bằng kinh doanh, được vay tín dụng ưu đãi, được hỗ trợ với cơ chế “vườn ươm doanh nghiệp”, được ưu tiên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiêm thị trường… song cụ thể hóa các chính sách này ra để thực thi tới doanh nghiệp lại không được bao nhiêu. Tôi nói thẳng, thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nông thôn đã nhận được gì đâu. Các ngành cũng mới hô hào vậy thôi, chứ đề cập hỗ trợ cụ thể thế nào vẫn “chập chờn” lắm. Cụ thể hóa các chính sách nêu trên đến nay chưa có, chưa kể còn có sự không đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Khoảng cách giữa nói và thực thi chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nông thôn còn đang quá xa.
Vậy theo ông, phải làm sao để các chính sách của Chính phủ đến được với doanh nghiệp, bởi theo nhiều doanh nghiệp nông thôn và Hiệp hội doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của họ đang vào thế “nguy cấp”?
Theo tôi các cơ chế chính sách cần phải được định lượng một cách rõ rang, cụ thể. Ví dụ, sẽ dành một khoản tiền là bao nhiêu để hỗ trợ doanh nghiệp, có địa chỉ cụ thể như ngân hàng nào được dành bao nhiêu tiền và vùng nào, doanh nghiệp loại nào được hỗ trợ số tiền ấy. Chúng ta phải chỉ rõ được ra.
Chúng ta phải có sự kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ để kịp thời có những uốn nắn, xử lý nếu các chính sách không được thực thi hoặc thực thi không hiệu quả. Qua đó, chúng ta cũng ước lượng được chính sách nào phù hợp với thực tế hiện nay, chính sách nào cần sửa đổi bổ sung. Các cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính, ngân hàng phải xem Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách như thế thì có thực hiện được không và thực hiện như thế nào>
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Nông thôn ngày nay