Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp nông thôn chật vật để tồn tại
10 | 10 | 2011
Trong số 49.000 doanh nghiệp giải thể có bao nhiêu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - đến nay chưa có con số thống kê chính thức.
Song, thực tế hiện nay là các doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn và các làng nghề đang rất chật vật để tồn tại.
Doanh nghiệp chăn nuôi hoạt động "cầm hơi"
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn, chăn nuôi VN nói đầy chua xót: "Thị trường thức ăn và chăn nuôi bây giờ gần như đã để cho các DN nước ngoài lấn át hết rồi!?". Nguyên nhân theo ông Lịch, là do các DN trong nước đang ngày một yếu, không thể cạnh tranh, lấn át nổi.
Ông Lịch cho biết, hầu hết các DN chăn nuôi và sản xuất thức ăn hiện nay rất khó vay được vốn phục vụ sản xuất nên đành hoạt động cầm chừng. Các ngân hàngcông bố lãi suất 17-18% nhưng cộng mọi chi phí vào thì lãi suất vay cũng lên tới 20%.
Chưa kể, các DN này thậm chí không vay được do là đối tượng rủi ro cao. Các chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho các DN nông thôn đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Trong khi chi phí đầu vào tăng cao thì giá sản phẩm của DN và nông dân lại giảm. Hiện giá thịt lợn hơi chỉ còn 54.000-55.000 đồng/kg, gà trắng 22.000-24.000 đồng/kg. "Với mức giá này, các DN trong nước chỉ có nước lỗ và giải thể" - ông Lịch nói.
Làng nghề khó khăn chồng chất
Với các làng nghề càng thấy rõ sự khó khăn chồng chất. Ông Nguyễn Thế Vạn - Giám đốc Công ty Toàn Thắng (làng nghề cơ khí tỉnh Bắc Ninh) cho biết, từ đầu năm đến nay, DN chỉ hoạt động cầm chừng, doanh thu chỉ đạt trên 2 tỷ đồng (trong khi năm 2010, tổng doanh thu trên 20 tỷ đồng).
Trong làng nghề của ông Vạn, DN còn sản xuất cũng chỉ đếm được còn vài nơi, còn lại đa số đã ngừng hoạt động, do lợi nhuận của DN không có, chi phí sản xuất thì tăng cao, đặc biệt là lãi suất ngân hàng cao và khó vay.
DN ở làng nghề cán thép Tiến Đạt (Bắc Ninh) do ông Trần Văn Hiền làm Giám đốc cũng vậy, chỉ còn hoạt động cầm chừng để giữ khách và giữ thợ. “Năm nay kinh tế quá khó khăn nên các DN như của tôi đã tiết kiệm mọi chi phí mà vẫn không có lợi nhuận” - ông Hiền nói.
Ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề VN nêu thực tế: "Về nông thôn bây giờ khó khăn lắm. Khó làm ăn, khó vay vốn, khó tiêu thụ sản phẩm. Tình hình đã rất nguy". Ông Dần cho biết, hiện cả nước có gần 3.000 làng nghề, trong đó có 30% là làng nghề truyền thống. "Tới 60% DN làng nghề hoạt động cầm chừng" - ông Dần cho hay.
Khó khăn lớn nhất của các làng nghề vẫn là vốn. Ông Dần cho biết, có tới 80% các làng nghề, các chủ làng nghề không tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Khủng hoảng kinh tế khiến cho thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề cũng bị thu hẹp, bấp bênh. Làng nghề tiêu thụ sản phẩm chủ yếu qua trung gian càng đẩy chi phí lên cao khiến sản xuất thua lỗ. Nhiều làng nghề, các DN, hộ gia đình đã không phát triển được kinh tế bằng nghề truyền thống cũng vì những khó khăn nêu trên.
Ông Lê Bá Lịch cho rằng, các chính sách của Chính phủ với khu vực nông nghiệp, nông thôn đã rõ ràng, nên chăng cần có các giải pháp cụ thể từ các bộ, ngành, ngân hàng nhằm giúp DN trong lĩnh vực nông nghiệp duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Mai - Giám đốc Công ty Ngọc Động (xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, Hà Nam) chuyên sản xuất thủ công mỹ nghệ, cho rằng: “Sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, đào tạo nhân lực, kỹ thuật sẽ giúp cho các DN làng nghề vượt qua khó khăn lúc này và có thể chủ động vươn ra thị trường”.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường