Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đừng chờ "nước đến chân mới nhảy"
28 | 07 | 2011
Nhiều khả năng EU sẽ thay đổi một số quy định và thông lệ về phòng vệ thương mại. Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp trong nước phải đầu tư để tự cứu mình.

Những quy định và thông lệ về phòng vệ thương mại của EU nhiều khả năng sẽ thay đổi. Theo ông, có bất lợi nào cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không?

 

 

- Ngoài các biện pháp phòng vệ thương mại truyền thống, tới đây, EU tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ khác, đưa ra các quy định về môi trường, lao động, quyền lập hội, lương bổng... Đây là những vấn đề EU có thể dùng như những công cụ để đàm phán các hiệp định thương mại, qua đó khuyến nghị chúng ta thay đổi cho phù hợp.

Cách an toàn nhất là chúng ta nên sử dụng công cụ hỗ trợ mà WTO cho phép. Đó là cách tránh rủi ro lớn nhất và không trái với nguyên tắc của WTO. Những điều này cũng giúp chúng ta hạn chế các vụ kiện “đúp” - kết hợp cả chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Thương mại là lĩnh vực thường xuyên thay đổi. Nhưng mỗi khi gặp khó khăn, chúng ta lại trông chờ các tổ chức giúp đỡ, thậm chí chờ “nước đến chân mới nhảy”. Theo tôi, không chỉ riêng Nhà nước, các bộ, ngành, hiệp hội mà bản thân các DN khi làm ăn với thị trường nào, cần tìm hiểu rõ các vấn đề liên quan đến thị trường đó. DN phải tự cứu mình, phải đầu tư để phòng vệ thật tốt.

Hiện nay số lượng quốc gia được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan (GSP) giảm xuống nhiều. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- GSP là quy chế một chiều của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển và chậm phát triển. EU cho rằng, việc thường xuyên rà soát lại các nước phát triển được hưởng chế độ ưu đãi này là cần thiết, nhằm điều chỉnh về ngành hàng và nước được thụ hưởng.

Theo tôi, việc Việt Nam được hưởng GSP không hẳn là tín hiệu lạc quan. Thực tế, một số ngành hàng của ta chưa trưởng thành. Nếu hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0, thì phần lợi lớn nhất thụ hưởng từ ưu đãi GSP lại thuộc về những nước mà chúng ta nhập khẩu nguyên liệu. Vì vậy, các DN cần nhanh chóng cơ cấu lại, nhập khẩu nguyên liệu từ chính các nước trong EU đã cho Việt Nam được hưởng ưu đãi GSP. Giá trị sẽ tăng lên, theo nguyên tắc hỗ trợ có đi, có lại. Tuy nhiên, nếu để nước thứ 3 hưởng lợi gián tiếp từ GSP sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.

Việt Nam thắng Mỹ trong vụ kiện tôm ra WTO. Thưa ông, kinh nghiệm rút ra sau vụ kiện này là gì?

- Đây là bài học trong giai đoạn chuyển đổi. Với tư cách là thành viên của WTO, trước hết, phải sử dụng quyền của chúng ta- quyền của một nước thành viên. Nếu thấy các quốc gia thành viên khác áp dụng các biện pháp kỹ thuật không không phù hợp với quy định của WTO, Việt Nam phải nhanh chóng sử dụng quyền khởi kiện. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả những quyền này, các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) phải phân tích, lựa chọn và có hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của các nước mà ta đi kiện. Bên cạnh đó, hiệp hội và DN phải nắm được các quy tắc của WTO để đưa ra các căn cứ, tài liệu xác đáng.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu, chúng ta rất cần sự trợ giúp của các công ty luật trong nước và quốc tế. Nhưng việc nhờ các công ty luật quốc tế hỗ trợ pháp lý, phải tính đến vấn đề kinh phí. Trong các vụ kiện, không phải lúc nào Nhà nước cũng trợ giúp kinh phí. Vì vậy, các hiệp hội phải tập hợp được lực lượng, để khi cần thiết có thể huy động được nguồn kinh phí đủ lớn để đi kiện. Việc trợ giúp về mặt pháp lý là cần thiết nhưng nếu không có tiền thì chúng ta cũng không làm gì được.

 Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Công thương



Báo cáo phân tích thị trường