Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo: Chờ đợi hay chớp lấy thời cơ?
14 | 11 | 2011
Thái Lan cầm cự, Ấn Độ và Pakistan tích cực thương thảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với đối tác, Việt Nam tiếp tục chờ đợi hay chớp lấy thời cơ? Đó là những diễn biến của tình hình xuất khẩu gạo trong những ngày cuối tháng 10 đầu 11 này.

Gần đây, thị trường gạo thế giới và trong nước có nhiều biến động mạnh mà nguyên nhân do các nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới đã chuyển từ thị trường Việt Nam, Thái Lan sang Ấn Độ và Pakistan (do có giá thấp hơn).

Bên cạnh đó, chương trình can thiệp mua lúa cho nông dân Thái của chính phủ nước này được triển khai từ ngày 7/10 đang gặp rất nhiều khó khăn do xảy ra lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua, khiến giá gạo thế giới không cao như kỳ vọng của nhiều nước xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam: Chờ tiếp hay "nhảy"?

Theo dự báo của các chuyên gia ngành lúa gạo trong và ngoài nước, chính sách can thiệp của Thái Lan sẽ có tác động dẫn dắt giá xuất khẩu gạo của thị trường gạo thế giới lên tới 700-850 đô la Mỹ/tấn. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, thị trường gạo thế giới lại không diễn ra như kịch bản được nhiều chuyên gia dự báo, khi Thái Lan đang hứng chịu một trận lụt tồi tệ nhất 50 năm qua, giá chào xuất khẩu của các nước vẫn thấp hơn dự kiến từ 100-250 đô la Mỹ/tấn. Cụ thể, giá chào xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan lần lượt dao động trong khoảng 570-580 đô la Mỹ/tấn và 600-610 đô la Mỹ/tấn.

Việc xuất khẩu trở lại của Ấn Đô - nước sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới (nhưng không phải là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới), đã tác động rất lớn đến cục diện chung của tình hình xuất khẩu gạo thế giới, trong đó, có nước xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới là Việt Nam.

Hiện các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang băn khoăn giữa “hai dòng nước” là tiếp tục chờ đợi thông tin tốt lành từ Thái Lan hay nhanh chân chớp lấy thời cơ xuất khẩu trước sự cạnh tranh quyết liệt của Ấn Độ và Pakistan?.

Chờ đợi thì sợ tiếc, chớp lấy thời cơ cũng không đành, đây là 2 vấn đề làm đau đầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, quả thật không dễ gì quyết định trước một “thế trận” mà Việt Nam đang ở giữa.

Trong cuộc hợp giao ban xuất khẩu gạo vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thừa nhận, dù giá gạo Việt Nam đang giữ vai trò dẫn dắt thị trường, nhưng phải chờ đến cuối tháng 11 mới có thể đánh giá hết được diễn biến giá cả của thị trường, lúc đó doanh nghiệp mới quyết định ký hay không ký hợp đồng.

Tuy nhiên, khi trả lời tại cuộc họp giao ban thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 7/10, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA lại khẳng định, giá xuất khẩu trong thời gian tới sẽ còn đứng ở mức cao.

Còn Hiệp hội lương thực Việt Nam thì đưa khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần sớm ký thỏa thuận với Indonesia và xây dựng mối quan hệ với Malaysia về xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, VFA còn khuyến cáo bà con nông dân nên tranh thủ xuống giống sớm, thu hoạch sớm để tận dụng được về mặt giá cả. 

Giá lúa gạo trong nước đứng ở mức cao

Việc thị trường xuất khẩu gạo không có những khuynh hướng rõ rệt sẽ ngã ngũ theo hướng nào, ít nhiều đã có tác động đến thị trường lúa gạo trong nước.

Anh Thanh Phong, giám đốc doanh nghiệp xay xát, kinh doanh lúa gạo Vạn Lợi 2, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết: “Gần đây, nghe báo đài lên tiếng dự báo nào là thị trường sẽ ảm đạm trong năm tới, nào là sẽ tiếp tục tăng cao…làm cho cánh doanh nghiệp chúng tôi cũng không biết đâu mà lần, dĩ nhiên phải tiếp tục nghe ngóng thêm thôi”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn trữ gạo với lý do tình hình đầu năm sau sẽ ổn định ở mức cao. Ông Võ Thanh Sơn, một thương lái chuyên kinh doanh gạo tại chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang nói: “Chắc chắn giá lúa gạo đầu năm sau sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao do Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 800-900 ngàn tấn và được giao trong những tháng đầu năm 2012”.

Theo thương lái mua lúa tại chợ đầu mối lúa gạo Bà Đắc cho biết, hiện giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục đứng vững ở mức cao. Cụ thể, lúa IR 50404 tươi được cánh thương lái thu mua tại Đồng Tháp, An Giang dao động quanh mức 6.400-6.500 đồng/kg; lúa IR 50404 (khô) tiếp tục ổn định và dao động từ 7.500-7.550 đồng/kg.

Các loại lúa hạt dài như OM 4218, OM 5451, OM 1490… được thương lái thu mua trực tiếp từ nông dân với giá từ 7.800-7.900 đồng/kg. Đặc biệt với các giống lúa thơm như OM 4900, Jasmine có giá từ 8.400-8.600 đồng/kg, tăng khá mạnh so với mức giá hồi tháng 10, từ 400-500 đồng/kg.

Lý giải giá lúa thơm tăng mạnh, cánh thương lái kinh doanh gạo tại khu vực xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, do nhu cầu xuất khẩu các loại gạo thơm sang Hồng Kông gần đây liên tục tăng mạnh (cả về lượng lẫn giá xuất khẩu).

Hiện tại, giá gạo nguyên liệu dao động từ 9.600-9.700 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm và 9.500-9.550 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu của giống lúa IR 50404. Giá gạo thành phẩm từ đầu tuần đến giờ vẫn ổn định, từ 11.700-12.000 đồng/kg đối với gạo 5% tấm, 11.500-11.550 đồng đối với gạo 15% tấm và 10.900-11.000 đồng/kg đối với gạo 25% tấm.

Theo Trung Chánh

TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường