Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Từ đồng lúa bội thu đến giá trị hạt gạo
10 | 11 | 2011
Có 48 nông dân trồng lúa tiêu biểu, đại diện cho hàng chục triệu nông dân trong cả nước sẽ được tôn vinh tại lễ hội lúa gạo tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng (từ ngày 8 – 11.11.2011).

Ông Phan Văn Thông, giám đốc trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư quốc gia, trưởng ban tổ chức hội thi “nông dân sản xuất lúa giỏi vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2011”, cho biết, cuộc thi mới là sự kiện mở đầu cho chương trình festival lúa gạo lần thứ 2. Mục tiêu của lễ hội xác định, đây là dịp để các nông dân, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp giao lưu, trao đổi thông tin, bàn bạc rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả trong sản xuất đối với cây lúa.

Ước muốn có thương hiệu

Trước thềm diễn ra lễ hội, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng gợi ý, những vấn đề còn lại của hoạt động sản xuất lúa hiện tại là xử lý sau thu hoạch và lo đầu ra cho sản phẩm gạo. Thứ trưởng Bổng khẳng định, gạo Việt phải có thương hiệu riêng. Theo ông, nông dân đã sản xuất lúa thơm rất tốt thì tại sao lại không có một “Gạo thơm Việt Nam” (Viet Jasmine)? Hoặc gạo hạt dài đã có sản lượng lớn thì tại sao lại không có “Gạo trắng hạt dài là siêu tốt” (Viet super long Grain)?

Ông Bổng cho rằng, để đạt đến độ đồng nhất và khối lượng lớn của sản phẩm gạo trong xây dựng thương hiệu, cần thiết phải kiên trì việc xây dựng những cánh đồng mẫu lớn. Với đặc thù của việc phân bổ ruộng đất như hiện tại, cánh đồng mẫu lớn, theo thứ trưởng Bổng phải thực hiện theo phương châm “nông dân nhỏ – cánh đồng lớn”, trong đó doanh nghiệp kinh doanh lương thực phải giữ vai trò người tổ chức. Trong giai đoạn hiện tại, cần hết sức lưu ý việc liên kết các doanh nghiệp để đảm bảo khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thương trường quốc tế.

Trong tình thế đó, TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long báo tin vui: một số doanh nghiệp lương thực nước ngoài đã liên kết đầu tư các hoạt động chế biến và xuất khẩu gạo tại Việt Nam. Thực tế này sẽ tạo thế cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp Việt Nam và đương nhiên lợi thế phát sinh mới sẽ thuộc về nông dân, những người trực tiếp làm ra lúa. Phần còn lại, TS Bảnh cảnh báo, các doanh nghiệp nhỏ lẻ không có thế cạnh tranh sẽ bị đào thải dần.

Hy vọng của nhà nông

Lão nông Phạm Văn Long (tỉnh Vĩnh Long) mừng rơn nói: “Nông dân tụi tui ham làm nhưng còn ham hơn khi mình được hướng dẫn làm sao cho đúng với yêu cầu của người mua gạo. Ông thứ trưởng nói nghe đã thiệt! Nhưng nông dân tụi tui còn chờ mấy ông doanh nghiệp tính lời, tính lỗ ra sao nữa chứ”.

Tỉnh Cà Mau không phải là vùng trồng lúa, nhưng lão nông Võ Công Tạo, 72 tuổi, ngụ thành phố Cà Mau cùng 15 nông dân khác thuê nguyên cả chuyến xe về Sóc Trăng để nghe nói chuyện trồng lúa trong những năm tới. Ông Tạo chia sẻ, có lẽ đến khi gạo Việt Nam mạnh dạn so kè cùng gạo thế giới về chất lượng, giá cả… thì người nông dân mới cải thiện được cuộc sống hiện tại.

Nông dân Bùi Thế Dương, ở xã Tân Hộ Cơ (Tân Hồng, Đồng Tháp) hào hứng: “Năm nay mục tiêu 1 triệu tấn lúa vụ ba cho toàn vùng, chúng tôi đã làm vượt khoảng 0,3 triệu tấn, phần còn lại là do các doanh nghiệp xuất khẩu quyết định. Nông dân tụi tui cực quá rồi!”

Phấn khích hơn, nông dân Tư Phước ở Tân Hồng, nói: “Lúa vụ ba tới thời điểm này coi như cả vùng đã thắng lớn. Nhưng nếu các doanh nghiệp xuất khẩu cứ xuất khẩu gạo kiểu phần trăm (%) tấm như trước tới giờ thì công sức toàn xã hội đương đầu với lũ để làm ra lúa coi như bị xem nhẹ rồi!”

Nông dân Võ Văn Sâm ở Vĩnh Long đến với lễ hội lúa gạo Sóc Trăng lần này, hành trang mang theo ngoài khả năng biểu diễn trên sân khấu nhà nông đua tài, theo ông mục tiêu lớn nhất trong chuyến đi này là để nghe các nhà quản lý, nhà khoa học tính chuyện làm lúa hướng tới khẳng định vị thế cho lúa gạo Việt Nam. “Khi lúa gạo mình có giá nông dân mình mới có thể lên đời được chứ”, ông Sâm nói.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường