Năm 2008, trong khi giá trị xuất khẩu cá tra chạm mốc 1,45 tỷ USD, rồi lần lượt tăng lên mức 1,34 tỷ USD vào năm 2009 và 1,43 tỷ USD vào năm 2010, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường EU lại suy giảm liên tục. Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường EU năm 2008 đạt 581 triệu USD, giảm xuống mức 539 triệu USD năm 2009 và 511 triệu USD năm 2010. Trong năm 2008 – 2009, lượng xuất khẩu cá tra sang thị trường EU giữ ổn định ở mức khoảng 224 ngàn tấn nhưng giảm nhẹ trong năm 2010 do sản lượng cá nguyên liệu nội địa giảm.
Bất chấp sự suy giảm giá trị xuất khẩu liên tục, giá cá tra xuất khẩu sang thị trường EU lại lieent ục tăng và trong 2 năm qua đã tăng 50%. Theo ông Dũng, chi phí của các nhà nhập khẩu EU đối với mặt hàng này hiện ở mức 3,4 – 3,5 USD/kg (CIF). Ngoài ra, theo những báo cáo khác, chi phí mà các nhà nhập khẩu EU phải chịu hiện là 3,7 USD/kg và chi phí của các nhà nhập khẩu Mỹ là 4 USD/kg (CIF).
Mặc dù giá xuất khẩu tăng lên nhưng người dân nuôi cá không cảm thấy được hưởng lợi. Hoạt động sản xuất cá tra dần đi vào đóng băng do chi phí sản xuất tăng cao liên tục. Theo ông Dũng, vào thởi điểm đỉnh cao, nông dân nuôi cá được trả 28.000 – 29.000 VND/kg cá tra nguyên liệu. Tuy nhiên, trong thời điểm đó, lãi vay ngân hàng mà họ phải chịu lên đến 21 – 23% và giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng. Những chi phí khác như điện và nhiên liệu cũng tăng.
Trong số các chi phí tăng lên, chi phí thức ăn chăn nuôi là vấn đề quan trọng nhất. Thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70% chi phí nuôi cá tra và chủ yếu được nhập khẩu. Trong năm 2010, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 20%.
Do nguồn cá nguyên liệu sụt giảm, nhiều nhà máy chế biến phải hoạt động chỉ với 30% công suất hoạt động mặc dù mức công suất chế biến trung bình của các nhà máy đạt 60% trong cùng thời điểm.
Tuy nhiên, thay vì liên tục tăng giá xuất khẩu, theo ông Dũng, các nhà sản xuất Việt Nam nên tìm cách giảm chi phí sản xuất. VASEP muốn duy trì giá xuất khẩu ở mức hiện tại và giá tối đa chào hàng cho các nhà nhập khẩu châu Âu nên duy trì ở mức 3,5 USD/kg cá tra phile IQF.
Tất nhiên, các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể tìm cách tăng doanh thu trên thị trường Mỹ để bù đắp sự suy giảm doanh thu trên thị trường EU do độ co giãn cầu theo giá tại Mỹ thấp hơn tại EU. Tuy vậy, với tình hình kinh tế Mỹ hiện nay, các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này.
Nếu cá da trơn Việt Nam bị đặt dưới quyền phán quyết của Bộ Nông nghiệp Mỹ, như các nhà sản xuất cá da trơn Mỹ hy vọng, thì nông dân nuôi cá Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện nuôi theo quy định của Mỹ.
Theo ông Dũng, một trong những cách cắt giảm chi phí sản xuất cá tra tại Việt Nam là tăng giá trị các sản phẩm phụ phẩn, sử dụng công nghệ hiện đại. Dầu chiết xuất từ cá tra có thể dùng trong công nghiệp hoá mỹ phẩm hoặc các sản phẩm dùng trong các liệu pháp tốt cho sức khoẻ. Những phần thừa từ chế biến như đầu, da và vây có thể được sử dụng để sản xuất bột cá, sau đó được sử dụng làm thành phần thức ăn chăn nuôi cho tôm và cá rô phi. Các phần thừa từ đáy hồ nuôi cá tra có thể sử dụng làm phân bón cho đất.
Kim Dung AGROINFO
Theo Seafood Source