Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đã có 49/211 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo
11 | 08 | 2011
Thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới đang sôi động, Việt Nam lại được mùa lúa. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2010/NĐ–CP khá chậm, một số địa phương còn lúng túng trong hướng dẫn thi hành.
Một số thắc mắc của các doanh nghiệp xung quanh vấn đề này đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương giải thích cụ thể hơn.

Vấn đề giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo đang được giải quyết ra sao, thưa ông?

Ngày 9/8 tại Tp.HCM, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Tôi cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ đã trả lời tại chỗ những thắc mắc của các doanh nghiệp về việc thi hành Nghị định. 

Nhìn chung, các đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp đều đánh giá cao công tác phối hợp chuẩn bị để các doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu gạo.

Cách nay khoảng một tháng, mới có 7 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận, thì hôm nay con số này đã là 49, trong đó có 4 doanh nghiệp FDI. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cả nước có 211 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp trong nước đã được cấp giấy chứng nhận hiện chiếm hơn 70 % lượng gạo đã xuất khẩu. 

Điều này càng làm rõ mục tiêu mà Nghị định hướng tới là hiệu quả của việc sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo. Xuất khẩu gạo phải góp phần điều tiết thị trường, vừa hổ trợ cho người trực tiếp sản xuất lúa, gắn kết giữa đầu vào (sản xuất) với đầu ra (thương mại). Kết quả xuất khẩu gạo đến thời điểm này và dự kiến cả năm 2011 mà VFA báo cáo cũng chứng minh điều này. Giá lúa tăng, nông dân có lãi hơn, và thương nhân xuất khẩu gạo cũng tăng phần trách nhiệm trong bình ổn giá gạo thị trường.

Các doanh nghiệp có nói đến 2 tiêu chí “cứng” và “mềm” trong đăng ký cấp giấy chứng nhận. Ông có thể làm rõ hơn về sự phân biệt này?

Điều 18 của Nghị định 109 đã nêu khá rõ về tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận. Ngay từ ngày 31/12/2010, Bộ Công Thương có Thông tư hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Nghị định 109. Ngày 24/3/2011 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có Quyết định số 560 về việc ban hành quy định tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc chuyên dùng và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu.

Nhưng tất cả đã thống nhất là doanh nghiệp xuất khẩu gạo có 4 yêu cầu bắt buộc là: kho tàng, cơ sở xay xát-sấy lúa, có hợp đồng và chất lượng xuất khẩu. Các doanh nghiệp nói “tiêu chí mềm” có lẽ nhằm vào việc có thể hợp đồng thuê, đồng sở hữu kho tàng. 

Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan đã trao đổi kỹ về vấn đề này. Chương VI về Điều khoản thi hành của Nghị định 109 cũng đã nêu rõ: trong 9 tháng kể từ khi Nghị định có hiệu lực (1/1/2011) là thời gian chuyển tiếp, thương nhân chưa có giấy chứng nhận vẫn được tiếp tục kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong 1 năm sau ngày 1/10/2011, thương nhân được thuê kho chứa, cơ sở xay xát để đáp ứng yêu cầu về kho chứa, cơ sở xay xát... Tiêu chí “cứng” này buộc cơ sở kho chứa, xay xát phải thuộc sở hữu của thương nhân. 

Nhiều doanh nghiệp phản ánh vừa qua đã liên kết đề đồng sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát nhưng không được chấp nhận. Như vậy, các thương nhân đang tính toán hình thức liên kết thì nên chuyển sang hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay xát trong 1 năm, từ 1/10/2011 đến 1/10/2012. Trong thời gian đó, doanh nghệp tiếp tục cố gắng đầu tư để sở hữu các hạ tầng theo yêu của ngành xuất khẩu gạo.

Chính vì vậy nên trong số giấy chứng nhận đã cấp, có loại có giá trị 1 năm, có loại 5 năm. Nhờ hội đủ điều kiện nên có 8 doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu gạo lần đầu được cấp giấy chứng nhận. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều thống nhất cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu gạo có đủ cơ sở kho tàng, xay xát, sấy lúa... chính là đầu tư cho sản xuất. Như vậy doanh nghiệp sẽ gắn bó với người nông dân hơn.

Xung quanh việc thực hiện Nghị định 109 còn những phát sinh nào cần nghiên cứu thêm, thưa ông?

Ngành trồng trọt và UBND nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực hình thành các cánh đồng mẫu quy mô lớn gắn với cụm dịch vụ lúa gạo. Đã có những doanh nghiệp đầu tàu đang thực hiện vấn đề này. 

Theo phát biểu của Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang thì cùng với nỗ lực cơ giới hóa trong sản xuất lúa, Nghị định 109 góp phần hình thành các liên hiệu sản xuất lúa gạo, trong đó người nông dân là thành viên. Yêu cầu về gạo xuất khẩu sẽ được thực hiện ngay khâu đầu tiên là giống tới sau thu hoạch; doanh nghiệp làm chủ vùng nguyên liệu, sẽ làm chủ thị trường. Như vậy việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo sẽ có những tiến bộ. 

Tổ điều hành xuất khẩu gạo luôn theo dõi diễn biến thị trường từ nay đến những tháng đầu 2012 để có những hướng dẫn, quy định phù hợp các diễn biến thực tiễn trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo...

Theo VnEconomy



Báo cáo phân tích thị trường