Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vay vốn chăn nuôi vừa khó vừa nặng tiền lời
30 | 08 | 2011
Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tập trung vốn cho khu vực sản xuất. Thế nhưng thời gian qua, chăn nuôi luôn bị các ngân hàng thương mại liệt vào nhóm ngành đầu tư rủi ro cao, hạn chế cho vay

Đầu tháng 9 này, ông Trần Quang Trung, chủ trại heo 300 nái ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai quyết định đáo hạn sớm hơn một tháng khoản vay 1 tỉ đồng của ngân hàng Vietcombank.

Phải thế chấp nhà, xe, cây xăng…

Năm ngoái, dịch bệnh tai xanh hoành hành khiến giá heo hơi tụt giảm, gia đình ông Trung thua lỗ 1,2 tỉ đồng, không còn tiền mua cám nên ông buộc phải tìm đến ngân hàng. Nghe một số người mách nước vay ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ được lãi suất ưu đãi, ông hăm hở mang hồ sơ lên thì bị từ chối vì họ đánh giá dự án kém hiệu quả. Sau đó ông buộc phải đem toàn bộ giấy tờ khu đất trang trại rộng hơn 2ha thế chấp ngân hàng thương mại mới vay được 1 tỉ đồng với lãi suất thả nổi.

“Từ đầu năm đến nay Vietcombank liên tục điều chỉnh lãi suất, mỗi tháng tôi phải trả trung bình 16,6 triệu đồng. Nuôi heo lãi đồng nào ngân hàng ngốn hết nên tôi quyết định gom góp, bán thêm chút ít tài sản trả quách đi cho xong”, ông Trung nói.

Không chỉ ông Trung, hầu hết nông dân đều cho hay họ không thể nào tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho chăn nuôi nên phải vay thương mại với lãi suất quá cao. Hơn nữa, cho dù có tài sản, có phương án kinh doanh và chấp nhận vay lãi suất cao nhưng không phải người chăn nuôi nào cũng được ngân hàng chấp nhận. Hồi đầu năm nay, ông Trịnh Minh Khoa, chủ trại gà đẻ 170.000 con ở Đồng Nai toan tính thế chấp khu trang trại trị giá 35 tỉ đồng lên ngân hàng nông nghiệp tỉnh vay 10 tỉ đồng theo diện ưu đãi lãi suất nhưng bị từ chối. Ông Khoa được cán bộ tín dụng trả lời dự án thuộc nhóm bị đánh giá rủi ro cao, không có ưu đãi, phải theo lãi suất thị trường và chỉ cho vay một nửa nhu cầu.

Còn ông Trần Thanh Đại, chủ trại gà đẻ 300.000 con ở huyện Châu Thành, Sóc Trăng nói rằng vừa phải thế chấp một căn nhà ở TP.HCM, một cây xăng ở thành phố Sóc Trăng, một xe hơi đời mới và toàn bộ giấy tờ khu trại, tổng trị giá hơn 100 tỉ đồng mới vay được 25 tỉ đồng mở rộng khu trại nuôi thêm 140.000 gà thịt.

“Nếu không có tài sản, thậm chí quen biết, thì không ngân hàng nào cho vay vào lúc này”, ông Đại khẳng định.

Theo ông Châu Nhật Trung, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, chăn nuôi là ngành rất cần Nhà nước hỗ trợ lãi suất, nhất là giúp nông dân tái đàn, tạo nguồn cung nhằm góp phần ổn định giá cả thị trường nhưng thời gian qua rất ít hộ tiếp cận được do bị đánh giá sản xuất kém hiệu quả. Những hộ nuôi nhỏ lẻ bị thua lỗ vì dịch bệnh năm ngoái, nay hầu như không ai đủ điều kiện vay vốn ngân hàng nên phải bỏ nghề. Đây là nguyên nhân khiến nguồn cung thực phẩm bị thiếu hụt, đẩy giá cả tăng.

Hạ lãi suất mới có giá bình ổn

Tại cuộc họp bình ổn giá thực phẩm chăn nuôi hồi đầu tháng 8 vừa qua, cục Chăn nuôi cho biết thời gian tới sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ cụ thể giúp người chăn nuôi tái đàn. Cụ thể là sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay, con giống, vắcxin trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên đã sau một tháng, hầu hết người chăn nuôi khẳng định vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Cục Chăn nuôi đã phải thừa nhận một trong những nguyên nhân làm thiếu hụt thực phẩm, giá tăng đột biến từ đầu năm đến nay chính là do người chăn nuôi thiếu vốn, không còn khả năng đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại.

Ông Trần Thanh Đại tính toán riêng tiền chi phí xây dựng (chưa tính đất đai) cho mỗi trại gà công suất 10.000 con vào khoảng 2 tỉ đồng. Để chăn nuôi có lời, hiện nay, mỗi hộ phải nuôi quy mô ít nhất 100.000 con, tức vốn dành cho xây dựng phải là 20 tỉ đồng. Với số tiền quá lớn như vậy ít gia đình nào có sẵn mà phải có tài sản thế chấp để vay ngân hàng lãi suất 20 – 21%/năm. Trong khi đó, giá trứng gia cầm luôn trong tình trạng thiếu ổn định. Những lúc giá lên cao thì mỗi ngày kiếm lời vài chục triệu đồng là bình thường, nhưng có khi tụt giảm thê thảm, tiền thu về không đủ bù tiền cám nên việc bỏ một lúc vài chục tỉ ra đầu tư chăn nuôi là quá rủi ro.

“Chỉ những người nào trót theo nghề, có kinh nghiệm thì mới mạo hiểm, chứ không ai lại dại bỏ tiền túi riêng vào đầu tư chăn nuôi lúc này”, ông Đại khẳng định như vậy.

Nhiều người chăn nuôi cũng cho rằng việc phải vay với lãi suất quá cao còn là nguyên nhân làm đội giá thành sản xuất, khiến mục tiêu giảm giá thực phẩm là rất khó. Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo tại Đồng Nai, nói do không kham nổi lãi suất, nhiều trang trại dừng đầu tư các dự án chăn nuôi dù giá heo đang ở mức rất cao. Ngoài ra, theo ông, lãi suất cao cộng với tất cả chi phí đầu vào khác đều tăng đã đội giá thành chăn nuôi thêm 20 – 25% so với năm ngoái.

Với tình trạng nói trên, việc giá bán sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm là điều rất khó xảy ra.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường