Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá tiêu dùng đang hạ nhiệt
24 | 08 | 2011
Giá vàng tăng mạnh kéo theo tâm lý tăng giá nhiều mặt hàng song các chuyên gia cũng như tổ điều hành thị trường trong nước vẫn khẳng định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám sẽ không tăng mạnh

Giá thực phẩm đã chững lại...

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt ngày 23.8 cho thấy, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, giá lương thực, thực phẩm đã chững lại, thậm chí nhiều mặt hàng giảm gần 20%.

Tại chợ Long Biên, chợ đầu mối lớn nhất của Hà Nội, giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm rõ. Thịt lợn thăn chỉ còn 137.500 đồng/kg, thịt rọi là 129.000 đồng/kg; thịt bò philê là 174.000 đồng/kg.

Các loại cá trắm, cá chép còn 75.000-80.000 đồng/kg. Giá các loại rau, hoa quả cũng giảm từ 10-30% như bắp cải là 10.000 đồng/kg, su hào 8.000 đồng/củ, rau muống 5.000-7.000 đồng/mớ to, cà chua 15.500 đồng/kg, khoai tây 16.000 đồng/kg, bí đỏ 9.000 đồng/kg...

Các loại quả như cam sành còn 40.000 đồng/kg, thanh long 25.000 đồng/kg, táo 25.000 đồng/kg, lê 18.000 đồng/kg, xoài 35.000 đồng/kg... Tại một số chợ lớn trong nội thành như Thành Công, Ngọc Hà, giá các mặt hàng cũng không chênh lệch so với giá tại chợ Long Biên.

Theo khảo sát mới nhất của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng giảm vào tuần đầu tiên của nửa cuối tháng 8.2011. Đặc biệt, nhiều mặt hàng tiếp tục có xu hướng giảm giá như gạo, thực phẩm tươi sống, đường ăn, xi măng, thép xây dựng.

Giá gạo chững do Thái Lan và VN đang bước vào vụ thu hoạch mới với sản lượng tăng cao trong khi hiện nay nhu cầu gạo vẫn còn hạn chế. Cùng trong đà giảm giá còn có giá đường, thép, xi măng do giá thế giới giảm và thị trường xây dựng vào mùa mưa nên sức tiêu thụ giảm.

Giảm chưa như kỳ vọng!

“Như vậy lo ngại về giá lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 8 đã không xảy ra, điều này làm cho tốc độ tăng CPI tháng 8 được hạ nhiệt” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định. Ông Phong cho biết, việc giá lương thực, thực phẩm giảm tốc đã thấy rõ.

Tuy nhiên, tháng 8 lại rơi vào thời điểm chuẩn bị rằm Trung thu và phục vụ rằm tháng 7 âm lịch... nên giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm mới chỉ chững mà vẫn chưa giảm mạnh, nên vẫn chưa thể kéo mạnh chỉ số CPI tháng 8 xuống rõ rệt.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm cũng khiến giá cả một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến mặt bằng giá trong nước. Và với việc giá xăng dầu trong nước không được giảm trong tháng 8, ông Phong cho rằng, CPI tháng 8 giảm tốc sẽ không như kỳ vọng của chúng ta.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định: CPI tháng 8 của cả nước sẽ không thể tăng mạnh trên 1% như tháng 7 vừa qua. Theo ông Ánh, CPI tháng 7 đã tăng mạnh là do nhóm hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống tăng "phi mã", và điều này sẽ không xảy ra trong tháng 8.

Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận định: CPI theo tháng từ đầu năm 2011 đến nay vẫn luôn biến động khó lường, mặc dù theo bà Lan lạm phát những tháng cuối năm thường có xu hướng giảm xuống. Tuy nhiên, với năm 2011 này để đạt được điều đó, Chính phủ vẫn cần phải duy trì linh hoạt các giải pháp kiềm chế lạm phát đã đề ra.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt. Tiền tệ có thể đã không còn là yếu tố chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng nếu không điều hành linh hoạt, lạm phát có thể quay trở lại nếu việc nới lỏng tiền tệ không được kiểm soát tốt. Giá điện, than, xăng dầu vẫn được giữ ổn định cũng là nhân tố tác động tốt tới CPI từ nay tới cuối năm nhưng khó đảm bảo giá các mặt hàng này sẽ không được điều chỉnh tiếp trong năm nay?

TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, nếu như cơ quan quản lý không sớm đưa ra một thông tư về quản lý thị trường vàng và thành lập sở giao dịch vàng thì những nỗ lực can thiệp giảm lạm phát sẽ vô cùng khó khăn. Những hiện tượng đầu cơ, tích trữ, xuất nhập lậu vàng và biến động tỷ giá sẽ trở lại vào những tháng cuối năm. Hệ lụy này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát, doanh nghiệp và lãi suất.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường