Tóm tắt:
- Thương lái Trung Quốc đẩy giá lên cao để mua mủ cao su của dân.
- Nhiều doanh nghiệp và hộ dân hám lợi trộn cả tạp chất vào sản phẩm
- Không ít doanh nghiệp điêu đứng vì bị đối tác giở chiêu bài chê hàng, chậm thanh toán...
- Cơ quan chức năng mới chỉ gửi công văn yêu cầu doanh nghiệp cảnh giác.
Gần đây, trên địa bàn Bình Phước rộ lên tình trạng thương lái Trung Quốc tranh mua mủ cao su khiến các doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn khi thu mua nguyên liệu. Đặc biệt, một số doanh nghiệp (DN) hám lợi đã trộn tạp chất vào mủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín, thương hiệu mủ cao su Bình Phước.
Đẩy giá cao để mua được hàng
Ông Nguyễn Văn Trường, chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Linh Hương, xã Long Hưng (huyện Bù Gia Mập) cho biết: “Gần đây, nhiều thương lái đến Bình Phước thu mua mủ với giá cao, khối lượng lớn để xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Thường những hợp đồng ký ban đầu, thương lái Trung Quốc ký kết với trị giá nhỏ và thanh toán rất sòng phẳng, đúng hẹn. Sau khi tạo mối thân quen, thâm nhập sâu, họ nâng giá trị hợp đồng lên cao rồi giở chiêu bài chê hàng kém chất lượng để chậm thanh toán tiền, thậm chí “xù”… khiến nhiều DN điêu đứng. Sau nhiều phen bị lừa, hiện nay chúng tôi chỉ bán khi tiền trao cháo múc”.
Còn theo ông Võ Quang Thuận, chủ DNTN Thuận Lợi, ấp Thuận Hòa, xã Thuận Lợi (Đồng Phú), khoảng 4-5 năm nay, thương lái Trung Quốc đã đến Bình Phước thu mua mủ mang về nước sản xuất, chế biến hoặc tích trữ. Họ thường mua mủ cốm (đã sơ chế) với số lượng lớn. Để thu mua được nguyên liệu, họ thường đẩy giá lên cao. “Sau nhiều năm làm ăn với các đối tác Trung Quốc, tôi thấy họ tăng cường thu mua mủ vào thời điểm cuối năm, khi thị trường tiêu thụ mủ cao su ở Trung Quốc lớn, cung không đủ cầu. Họ thường không trực tiếp thu mua mà nhờ DN trong nước gom hàng. Lúc nào giá thu mua của họ cũng cao hơn giá của các DN trong nước nên việc gom hàng không khó”, ông Thuận nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc thu gom hàng của thương lái Trung Quốc đang khiến các DN trong nước gặp khó trong việc thu mua nguyên liệu. Ông Trần Thanh Phụng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH một thành viên Cao su Phú Riềng (xã Phú Riềng - Bù Gia Mập) cho biết, nhà máy của công ty hiện hoạt động chưa được 50% công suất do không thu mua đủ nguyên liệu. Mặc dù công ty đã ra giá cao hơn so với các DN tư nhân nhưng không hiểu sao vẫn chỉ thu mua được vài tấn/ngày.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, chủ DNTN Giang Sơn, thôn Phước Hòa, xã Bình Tân (Bù Gia Mập), do giá mủ thiên nhiên tăng cao nên thương lái thường trộn tạp chất vào mủ nước, làm tăng trọng lượng và nồng độ mủ, sau đó bán cho các nhà máy để thu lợi nhuận. Nhiều thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản… khi phát hiện tạp chất đều cắt hợp đồng. Do đó, để giải quyết nguồn hàng kém chất lượng, các DN chỉ còn cách “đẩy” sang cho DN Trung Quốc bởi thị trường này rất dễ tính.
Ngành chức năng lên tiếng cảnh báo
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, các địa phương, DN cảnh giác đối với hoạt động thu mua nông sản của các thương lái Trung Quốc, đồng thời tìm biện pháp ngăn chặn tình trạng pha trộn tạp chất vào mủ cao su. Theo đó, rà soát, thống kê đánh giá khối lượng các loại nguyên liệu, mặt hàng lạ mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang có hoạt động thu mua trên địa bàn tỉnh, tăng cường kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực biên giới với mục đích thu mua nông sản; tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh của các thương lái Trung Quốc trên địa bàn tỉnh để thu thuế theo đúng quy định.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu, hiện tượng thương lái trực tiếp xuống nhà vườn thu mua nông sản chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh mà họ chủ yếu ký kết các hợp đồng mua hàng thông qua các DN Việt Nam hoặc đặt hàng trực tiếp với chủ vườn. Hàng hóa, nguyên liệu do Trung Quốc thu mua phần lớn không khai báo, nộp thuế, làm giảm nguồn thu của tỉnh.
Ngoài ra, nếu tình trạng trộn tạp chất vào mủ nguyên liệu không được ngăn chặn thì sẽ làm giảm uy tín của cao su Việt Nam trên trường quốc tế, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu cao su.
Theo
Quảng Bình
Kinh tế Nông thôn