Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công nghiệp cao su, dệt: “sốt ruột” vì nguyên liệu
22 | 04 | 2010
Cả ngành dệt may lẫn ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su đều đang lâm vào tình trạng khó khăn do nguyên liệu lên giá, khan hiếm.

Giá mủ cao su thiên nhiên đột ngột tăng mạnh kể từ đầu năm 2010, đến nay đạt mức cao nhất trong lịch sử ngành cao su, 67,5 triệu đồng/tấn. Giá tăng cũng khiến ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm từ mủ cao su gặp khó.

Công nghiệp cao su: tăng giá thì lo mất thị phần

Từ đầu năm 2010 đến nay, thị trường săm lốp ôtô, xe máy, các sản phẩm làm từ mủ cao su tăng giá hai lần. Cụ thể, trong hai ngày 15.1 và 15.3, công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), công ty cổ phần cao su Đà Nẵng, công ty cổ phần cao su Sao Vàng đồng loạt tăng 10% giá bán.

Ông Lê Văn Trí, phó tổng giám đốc công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) cho biết, trong quý 1 năm nay, tháng nào giá nguyên liệu mủ cao su thiên nhiên cũng tăng, so với mức 33 triệu đồng/tấn hồi tháng 9.2009, nay giá đã gấp đôi, còn so với cùng kỳ thì tăng trên 300%.

Từ đầu năm nay, những nước sản xuất lớn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc thời tiết hạn hán nên phải lùi thời gian cạo mủ qua tháng 5, tháng 6 khiến nguồn cung mủ cao su càng thêm khan hiếm.

Đà tăng giá mủ cao su khiến các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất cao su trở tay không kịp. Ông Hà Phước Lộc, phó tổng giám đốc công ty cổ phần cao su Đà Nẵng cho biết, trong năm 2010 công ty cần khoảng 13.000 tấn cao su nguyên liệu để sản xuất lốp xe và các sản phẩm khác, nhưng do giá tăng quá mạnh nên đến nay mới đàm phán được 4.000 tấn của tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), còn lại phải thu gom từ bên ngoài. Theo ông Lộc, việc giá mủ cao su tăng đến 300% so với cùng kỳ 2009 khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện nay chúng tôi đang cân đối sản xuất giữa hàng tồn kho và mua mới nên áp lực tăng giá sản phẩm còn chưa lớn lắm, nhưng qua tháng 5 mà giá mủ vẫn không hạ thì chắc chắn công ty phải tiếp tục điều chỉnh giá bán” – ông Lộc nói thêm.

Trong khi đó, đại diện công ty Casumina, công ty Sao Vàng cũng thừa nhận chỉ có thể gồng gánh hết tháng 4, còn qua tháng 5, khi cạn nguồn hàng dự trữ mà nếu giá mủ vẫn đứng ở mức cao như hiện nay thì buộc phải thả nổi giá sản phẩm theo giá nguyên liệu đầu vào. “Tháng 9.2009 khi thấy giá mủ rục rịch tăng, Casumina kịp mua 5.000 tấn dự trữ. Nếu cân đối giá nguyên liệu mua mới và cũ thì đến hết tháng 4 này, chúng tôi chỉ phải sử dụng giá mủ có 54.000 đồng/kg, xem như còn gồng gánh được. Còn qua tháng 5 thì chưa có giải pháp nào để cân đối” – ông Trí nói.

“Đơn vị nào tiên phong tăng trước thì ngay lập tức bị giảm thị phần, còn tăng sau thì chịu lỗ”, ông Lê Văn Trí rầu rĩ.

Ngành dệt sợi ăn đong nguyên liệu

Ông Nguyễn Đức Khiêm, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty dệt may Việt Thắng, cho biết: “Tăng giá mạnh nhất hiện nay là sợi visco, từ đầu năm đến nay tháng nào cũng tăng khoảng 10% từ 2,2 USD/kg nay đã là 2,7 USD/kg; kế đến là sợi cotton từ 1,3 đã lên đến 1,6 USD/kg... Nhưng tăng giá không đáng lo bằng tình trạng các hãng nước ngoài giao hàng chậm trễ, khiến xuất hiện tình trạng khan hiếm nguyên liệu”.

Bà Phương Dung, một tiểu thương chuyên kinh doanh chỉ, sợi, suốt… ở gần chợ Bà Hoa (Tân Bình) cho biết: “Cả tháng nay chỉ cung ứng được 50% nhu cầu mua của các mối thuộc hộ gia đình, cơ sở dệt trong khu vực Bảy Hiền. Giá sợi cao người dệt vải cũng mua, nhưng không tìm ra nguồn bán sợi”.

Một tổng giám đốc công ty có nhà máy đặt tại Thủ Đức sản xuất khép kín từ bông xơ đến sợi, dệt, nhuộm, in bông nói rằng: “Giá xuất khẩu đang cao, khiến cho nhiều công ty không mặn mà bán hàng cho các doanh nghiệp nội địa vì các công ty thường nại cớ quen biết nhau, thanh toán trễ hẹn. Vận hành theo cơ chế thị trường, nên không có quy định nào buộc doanh nghiệp sợi trong nước cung ứng cho doanh nghiệp dệt”.

Còn theo ông Khiêm, để duy trì sản xuất, một số doanh nghiệp sản xuất vải sợi phải vay mượn nguyên liệu lẫn nhau. Tình trạng phổ biến trong ngành là các đơn vị đang “ăn đong”, đặt mua từng ít một vì không dự đoán được giá sắp tới sẽ tăng hay giảm.

Giữa tháng 4.2010, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu bông xơ để bảo vệ ngành dệt may của nước này đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng thêm lo ngại, bởi Việt Nam vẫn lệ thuộc nguồn bông nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng cường mua nguyên liệu từ hầu hết các thị trường trên thế giới, kể cả mua từ Việt Nam. Một thành viên của hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, nếu tìnhh trạng này kéo dài, một số công ty sản xuất sợi, dệt có thể phải sản xuất cầm chừng 3 – 4 ngày/tuần.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường