Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
3 Bộ bắt tay bình ổn giá lương thực, thực phẩm
09 | 09 | 2011
Liên Bộ Tài chính-Công thương-Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đang phối hợp để bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm từ nay đến cuối năm.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2011 cả nước tăng 0,93% so với tháng trước. Đây là tháng có chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất trong 11 tháng qua với mức tăng dưới 1%. Có thể nói, đó là kết quả nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nghiêm túc, kịp thời kết luận của Chính phủ trong đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng thực phẩm và bình ổn giá cả thị trường.

 

Nguồn cung lương thực đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và XK

Hiện nay, giá lúa gạo trên thị trường thế giới đang đứng ở mức cao do chính sách thu mua cao nhằm hỗ trợ nông dân của một số nước xuất khẩu gạo; đồng thời thông tin về việc tạm ngừng mua gạo của Hiệp hội lương thực Việt Nam khiến giá gạo thị trường trong nước tăng lên.
 
Theo Báo cáo của Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay nguồn cung lúa gạo tương đối dồi dào, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đáp ứng lượng hàng cho xuất khẩu theo hợp đồng đã ký. Theo tính toán của Cục này, với tổng lượng lúa cả năm ước đạt là 41,6 triệu tấn, sau khi trừ đi lượng lúa tiêu dùng nội địa là 27,52 triệu tấn, còn 14,08 triệu tấn lúa, tương đương trên 7 triệu tấn gạo hàng hóa (được sản xuất chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long và là nguồn gạo hàng hóa để xuất khẩu). Đối với các tỉnh phía Bắc, sản lượng thóc cả năm 2011 ước tính đạt trên 13 triệu tấn, có thể tự trao đổi để cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong vùng và không cần lưu chuyển từ phía Nam ra.
 
Sau khi cân đối, trừ nhu cầu tiêu dùng trong nước và lượng gạo còn phục vụ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, với nguồn cung gạo hiện tại hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và đáp ứng lượng gạo cho xuất khẩu.
 
Từ nay đến cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp như: Chọn lọc các loại giống tốt, năng suất cao phù hợp diễn biến thời tiết, đồng thời tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật đặc biệt là biện pháp “3 giảm, 3 tăng”; Phát huy lợi thế trồng lúa ở các vùng đồng bằng, tăng diện tích sản xuất ở nhưng nơi có thể, bảo đảm diện tích gieo cấy lúa cả năm khoảng 7,37 triệu ha....
 
Đẩy mạnh sản xuất tiếp tục bình ổn thị trường thực phẩm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong cả nước 7 tháng đầu năm có tăng với cùng kỳ năm 2010 (khoảng 2,87 triệu tấn, tăng 6,6%) nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với thịt lợn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong cả nước 6 tháng đầu năm 2011 khoảng 2,46 triệu tấn (tương đương 1,681 triệu tấn thịt xẻ), tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó, thịt lợn (1,312 triệu tấn), gia cầm (270,4 ngàn tấn) chiếm tỷ lệ trên 90% tổng sản lượng thịt các loại. Sản lượng trứng đạt gần 4 tỷ quả, tăng 10%.
 
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung, chi phí đầu vào tăng, lưu thông phân phối sản phẩm còn bất cập và cả có nguyên nhân từ biểu hiện đầu cơ, làm giá nên trong 2 tháng 6 và 7, giá cả thực phẩm tăng đột biến.
 
Để khắc phục tình trạng đó, kịp thời bình ổn thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, nhằm tăng nguồn cung cho thị trường đặc biệt là những tháng cuối năm.
 
Trong đề xuất các giải pháp từ nay đến cuối năm, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, công tác thông tin, tuyên truyền đóng góp vai trò quan trọng nhằm phản ánh kịp thời và chính xác về nguồn cung cũng như giá cả để tránh hiện tượng đầu cơ, đẩy giá tăng đột biến, cũng như tạo điều kiện cho việc lưu thông, điều hòa về nguồn và giá cả các loại thực phẩm giữa các vùng, miền.
 
Đối với thực phẩm, nhằm đảm bảo nguồn cung (đặc biệt là thịt lợn), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Chính phủ cho phép các cơ sở chăn nuôi lợn và gia cầm đủ tiêu chí được hưởng chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cũng đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu ngô từ 5% xuống còn 3%; lúa mỳ từ 5% xuống 0% nhằm giảm giá thành chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh.
 
Ngoài ra, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét việc tiếp tục thực hiện thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y, góp phần kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm; Tổng cục Hải quan phối hợp làm việc với Bộ Công thương, Tổng cục Thống kê về phương pháp thống kê lưu thông hàng hóa nông sản, thực phẩm, nhất là hàng hóa xuất nhập khẩu tiểu ngạch để các bộ, ngành có liên quan chủ động trong công tác điều hành; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ một số loại vắc xin tiêm phòng cho lợn và kinh phí hỗ trợ con giống cho người chăn nuôi lợn; Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi sát tình hình giá cả, cung cầu mặt hàng lương thực, thực phẩm; cùng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông,trao đổi và thống nhất với các cơ quan truyền thông trong việc đưa tin về giá cả thị trường, để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và phục vụ công tác điều hành của cơ quan nhà nước, tránh tình trạng đưa tin không đúng tình hình thị trường, tạo tâm lý mua hàng dự trữ, đẩy giá tăng cao.
 

Về vấn đề này, trong Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng thực phẩm, bình ổn giá cả thị trường đã nêu rõ, đồng ý giao Bộ Tài chính xem xét việc tiếp tục thực hiện thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm; xem xét việc miễn giảm thuế nhập khẩu đối với ngô, lúa mỳ chuyên dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi.



Theo

Bộ Tài Chính


Báo cáo phân tích thị trường