Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sữa nội cũng tăng giá mạnh
20 | 09 | 2011
Bên cạnh những loại sữa nhập khẩu, sữa nội cũng tăng giá từ 3% đến 15%. Tuy nhiên, vẫn có một số công ty chưa có kế hoạch lên giá.

Trong thời gian gần đây, nhiều đại lý đã nhận được thông báo tăng giá của những đơn vị sản xuất và phân phối sữa: Sữa Dumex tăng giá từ 10% đến 13%; dòng sữa bột Lactogen của công ty Nestle cũng tăng từ 3% đến 10% một hộp...

Góp mặt trong danh mục sữa tăng giá lần này có cả nhiều loại sữa nội của công ty Friesland Campina VietNam, với mức tăng trung bình từ 3% đến 15%. Cụ thể, Frisolac khối lượng 900 gram tăng 3%, từ 261.000 đồng lên 268.500 đồng. Friso 3 loại 900 gram tăng 4%, từ 237.000 đồng lên 245.000 đồng. Dutch Lady hộp giấy 400 gram loại 123 và 456 lần lượt tăng 8% và 7%. Lên giá mạnh nhất là dòng sữa Friso Gold, lon 400 gram tăng 26.500 đồng, tương ứng với 15%...

Chị Liên, chủ hiệu tạp hóa trên phố Thanh Nhàn, Hà Nội, cho biết những đợt tăng giá sữa trước thường tập trung vào những loại nhập khẩu. Còn lần này, hãng sữa nội như Cô gái Hà Lan cũng lên giá mạnh."Họ nói do nguyên liệu, chi phí tăng thì thành phẩm xuất ra cũng bị đắt hơn. Có thông báo tăng giá, mình cũng đành nhập rồi bán nâng lên thôi", chị Liên nói.

Việc nhiều mặt hàng sữa và ngay cả sữa nội cũng tăng giá mạnh khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Đứng mua sữa cho hai cậu con trai sinh đôi 3 tuổi, tại một siêu thị mini trên phố Tạ Quang Bửu, chị Quỳnh ở Lê Thanh Nghị, Hà Nội chia sẻ, sữa đắt hơn khiến gia đình chị phải đau đầu tìm cách xoay sở, cắt bớt những khoản chi tiêu khác.

Chị Quỳnh tâm sự, thu nhập của vợ chồng chị một tháng chỉ được gần chục triệu đồng. Riêng tiền sữa cho hai đứa con đã tốn trên 2 triệu đồng, nay tăng thêm hơn 25.000 đồng một hộp thì chị phải dành cho khoản này thêm 200.000 đồng nữa. Theo chị Quỳnh, vấn đề không chỉ nằm ở con số 200.000 đồng. Vì khi các khoản chi dùng mỗi thứ nâng giá một chút, lương lại không tăng thì ngân sách của anh chị càng ngày càng eo hẹp.

"Nuôi con nhỏ, sữa là sản phẩm thiết yếu. Con mà đã uống hợp loại đó thì giá có tăng, mình vẫn phải mua. Đương nhiên, khoản này phụ trội lên thì phải co bớt khoản khác. Trước giá sữa ngoại tăng ầm ầm thì khuyến khích chúng tôi dùng sữa nội. Nay sữa trong nước cũng đắt hơn một lúc đến vài chục nghìn thì bảo người tiêu dùng phải dùng gì đây", chị Quỳnh phàn nàn.

Giải thích về việc nâng giá, đại diện của Friesland Campina VietNam, anh Nguyễn Ngọc Kinh Luân cho biết, do chịu tác động từ 4 yếu tố chính nên công ty buộc lòng phải điều chỉnh giá để duy trì sản xuất. Theo anh Luân, tỷ giá đồng euro đã tăng so với năm ngoái khoảng 9-11%, trong khi đó nguyên liệu sữa bột chủ yếu nhập khẩu bằng ngoại tệ. Nguyên vật liệu đóng gói cũng lên từ 5% đến 18%. Để duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao, lương lao động cũng tăng thêm 4,5%; một số nguyên liệu đầu vào khác tăng hơn 11%.

"Hiện nay, chúng tôi có 2.500 hộ chăn nuôi đang cung cấp sữa cho công ty. Song, nguồn nguyên liệu này chỉ đáp ứng được 22-25%, tùy mùa vụ. Phần lớn còn lại chúng tôi phải nhập khẩu từ nước ngoài nên dù là sản xuất trong nước thì vẫn phải chịu tác động lớn từ tỷ giá", anh Luân nói.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có không ít đơn vị sản xuất và phân phối sữa chưa có kế hoạch nâng giá. Đại diện công ty sữa Vinamilk cho biết, các sản phẩm sữa bột của Vinamilk đang thực hiện chương trình bình ổn giá theo chủ trương của thành phố nên không tăng giá đến hết năm 2011. Đại diện sữa XO cũng cho hay, chưa có ý định điều chỉnh giá trong thời gian tới.

Anh Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng đối ngoại của công ty sữa Nestle xác nhận cách đây hai tháng, đơn vị này đã tăng giá dòng sữa Lactogen bởi đây là sản phẩm nhập khẩu từ Philippines. Sau một thời gian giữ giá thấp, công ty phải điều chỉnh để sinh lãi. "Sau khi tăng giá dòng sữa Lactogen, chúng tôi chưa có kế hoạch gì về giá với các nhãn sữa khác của Nestle", anh Vũ Quốc Tuấn cho biết.

Theo Xuân Ngọc

Vnexpress



Báo cáo phân tích thị trường