Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nhà đầu tư nước ngoài muốn đặt chân vào ngành thủy sản Việt Nam
27 | 09 | 2011
Thông tin gần đây cho biết Portunas, một công ty thủy sản Iceland, vừa mua lại một nhà máy chế biến cá da trơn tại Việt Nam, chỉ là một trong số những điển hình cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn nhảy vào ngành thủy sản Việt Nam.

Portunas đang tìm kiếm cơ hội hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam. Theo Pálmi Pálmason, CEO của Portunas, sản lượng thủy sản hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 4 triệu tấn. Và sản lượng này có thể tăng lên nếu Việt Nam áp dụng công nghệ khai thác và chế biến như Iceland đang có.

Một số nhà phân tích thậm chí còn dự đoán Việt Nam có thể tăng gấp đôi sản lượng thủy sản của mình nếu áp dụng các biện pháp sản xuất chuyên sâu.

Ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với ngành này tại Iceland và chắc chắn sẽ thu được lợi ích nếu áp dụng một số phương pháp chế biến của nước này.

Việt Nam vẫn còn giàu nguồn lực thủy sản, đặc biệt là từ lĩnh vực nuôi trồng. Và đây là lĩnh vực mà Portunas muốn đầu tư vào.

Tôm và cá da trơn là hai loại thủy sản được nuôi phổ biến nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, Marine Farms, một công ty nuôi trồng thủy sản của Na Uy, hiện đang sở hữu dây chuyền sản xuất cá cobia tại miền trung Việt Nam từ năm 2005. Loại cá thịt trắng này chủ yếu được khai thác tại châu Á, hiện đang được các nhà nhập khẩu Mỹ đón nhận nồng nhiệt. Công ty này hiện cũng đang bắt đầu nuôi cá nục, một loại cá rất phổ biến tại châu Á, hiện đang được thử nghiệm tại châu Âu và Mỹ.

Sản xuất các loại thủy sản hai mảnh vỏ cũng đang phát triển mạnh. Trong tuần trước, Vasep cho biết diện tích nuôi trai và sò điệp tại đồng bằng sông Cửu Long dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần trong 4 năm tới và gấp 4 làn trong 9 năm tới.

Đầu năm nay, một tập đoàn đầu tư Đan Mạch, cùng với một ngân hàng Việt Nam, đã hỗ trợ tài chính để xây và trang bị công nghệ cho một nhà máy mới sản xuất nước uống collagen chiết xuất từ các phần thừa từ chế biến cá tra của Bianfishco.

Một công ty Đan Mạch cũng cho biết sẽ xây một nhà máy tại Việt Nam để tận dụng nguồn nhân công rẻ. Nhà máy này sẽ chế biến các loại thủy sản như cá tuyết và cá minh thái để tái xuất.

Đầu tư vào ngành thủy sản Việt Nam không bị hạn chế đối với các nhà đầu tư Bắc Âu. CP của Thái Lan đã đầu tư vào các nông trại và cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cho tôm, loại thủy sản có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Các công ty của Trung Quốc cũng đang đầu tư vào các nhà máy chế biến tôm và hợp tác đầu tư với các công ty Việt Nam trong ngành này, thông qua việc mua cổ phần của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng ráo riết đưa tàu chạy dọc bờ biển Việt Nam để thu mua cá đánh bắt, tôm và mực. Các sản phẩm này sẽ được trực tiếp chế biến tại Việt Nam hoặc mang ngược trở lại Trung quốc.

Một nhà nhập khẩu Nhật Bản, thường mua các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao từ Agrex Saigon, đã có trong tay một danh sách các nhà cung cấp các sản phẩm thủy sản cao cấp cho thị trường Nhật Bản. Một nhà máy được đầu tư xây dựng mới, chuyên sản xuất các sản phẩm thủy sản cao cấp, có tên gọi GN (Gift of Nature) Foods, đã được đầu tư xây dựng.

Ngành thủy sản Việt Nam đã phát triển liên tục trong 20 năm qua và với dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, ngành thủy sản hứa hẹn sẽ còn tiếp tục phát triển.

Kim Dung AGROINFO

Theo Seafood Source


Báo cáo phân tích thị trường