Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điều kiện an toàn vệ sinh thủy sản: Việt Nam tương đương Nhật Bản
26 | 09 | 2011
iều kiện an toàn vệ sinh tại các nhà máy chế biến và cơ sở nuôi thủy sản của Việt Nam tương đương với Nhật Bản, đó là nhận xét của Đoàn Thanh tra Nhật Bản sau khi tiến hành thanh tra một số cơ sở nuôi và chế biến thủy sản của Việt Nam từ ngày 12-15/9 vừa qua, được đưa ra tại cuộc họp do Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản (NAFIQAD) tổ chức, có sự tham dự của Cục Thú y (Bộ NN và PTNT), Tổng cục Thủy sản và VASEP.

Đoàn Thanh tra Nhật Bản đã đánh giá cao về quy trình quản lý và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở sản xuất chế biến cũng như nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam và nhận xét: “Các cán bộ quản lý trực tiếp ở phân xưởng chế biến đã trả lời rất nhanh và chính xác các câu hỏi liên quan đến quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều đó chứng tỏ họ đã được đào tạo rất bài bản, có kiến thức và kỹ năng quản lý trong lĩnh vực này. Các trang trại nuôi thủy sản rất rộng lớn nhưng lại sạch sẽ và đặc biệt người nuôi không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi”.

Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra Nhật Bản cũng đưa ra một vài góp ý nhỏ tại một nhà máy chế biến mà họ đã đến như: việc điều chỉnh nhiệt độ giữa khu vực cấp đông và khu vực luộc phải phù hợp để tránh hơi nước đọng trên trần nhà gây ẩm mốc; cần khử trùng găng tay sau khi sản xuất; có chế độ bảo hành các thiết bị trong phòng kiểm nghiệm.

 “Các lỗi mà Đoàn Thanh tra Nhật Bản đưa ra là rất chính xác”, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD nhận xét và khẳng định những nội dung góp ý này cũng là những đòi hỏi bắt buộc của Cục đối với DN. Cục sẽ sớm có văn bản yêu cầu DN khắc phục các sai lỗi mà Đoàn Thanh tra đưa ra, đồng thời chỉ đạo Trung tâm vùng 6 kiểm tra sau khi DN khắc phục để sau đó Cục sẽ thông báo cụ thể bằng văn bản với Đoàn Thanh tra Nhật Bản. “Không chỉ Nhật Bản mà với bất kỳ đoàn thanh tra của nước nào có khuyến cáo về các sai lỗi của cơ sở chế biến thủy sản trong quá trình thanh tra, Cục đều có cách xử lý tương tự”, ông Tiệp nhấn mạnh.

Về những băn khoăn của Đoàn Thanh tra xung quanh việc có thể có các cơ sở nuôi thủy sản nhỏ lẻ sử dụng kháng sinh, đại diện Tổng cục Thủy sản tham dự cuộc họp khẳng định trong thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã nhiều lần kiểm tra các cơ sở nuôi, kể cả các cơ sở nuôi nhỏ lẻ nhưng đều không phát hiện việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản, còn các cơ sở nuôi thủy sản quy mô lớn đều có ý thức trong việc kiểm soát sử dụng kháng sinh như Đoàn Thanh tra Nhật Bản đã nhận xét. “Gần như các cơ sở nuôi tôm quy mô lớn không sử dụng hóa chất, kháng sinh mà thường sử dụng thảo dược hoặc chế phẩm sinh học”, ông Tiệp nói thêm.

Ông Tiệp cũng chia sẻ với Đoàn Thanh tra Nhật Bản về sự khác nhau giữa phương pháp lấy mẫu và số lượng mẫu kiểm nghiệm của Nhật Bản với Việt Nam mà Đoàn Thanh tra Nhật Bản đã đưa ra. “Phương pháp và số mẫu kiểm nghiệm trong các lô hàng của Việt Nam khác với Nhật Bản là điều dễ hiểu, vì phương pháp lấy mẫu của Việt Nam cũng khác với các nước Mỹ và Châu Âu. Phương pháp lấy mẫu và số mẫu lấy để kiểm nghiệm mà Việt Nam đang tiến hành là tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của Ủy ban Codex, hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế”. Tuy nhiên, ông Tiệp cũng đề xuất Cục An toàn Thực phẩm Nhật Bản và NAFIQAD trong thời gian tới có thể gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm của 2 nước về phương pháp và số lượng mẫu kiểm nghiệm để có được phương pháp lấy mẫu và số lượng mẫu sao cho hài hòa hơn giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Hai cơ quan cũng thống nhất thiết lập đầu mối về thông tin giữa Cục An toàn Thực phẩm Nhật Bản và NAFIQAD nhằm tăng cường trao đổi thông tin, kịp thời thông báo các quy định (sửa đổi, bổ sung), gửi thông báo chế độ kiểm tra tăng cường, thông tin các lô hàng cảnh báo…cũng như tránh “thất lạc” thông tin như văn bản của NAFIQAD gửi Cục An toàn Thực phẩm Nhật Bản từ tháng 5/2011 nhưng đến thời điểm hiện tại NAFIQAD vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi (?).

Về mức dư lượng Trifluralin và Enrofloxacin tối đa cho phép của Nhật Bản thấp hơn rất nhiều so với quy định của EU, NAFIQAD cũng đề nghị Cục An toàn Thực phẩm Nhật Bản cung cấp báo cáo đánh giá nguy cơ kèm theo bằng chứng khoa học khi đưa ra quy định trên và trong trường hợp chưa có báo cáo đánh giá nguy cơ, đề nghị phía Nhật Bản ngừng việc áp dụng các quy định trên hoặc tạm thời áp dụng mức của EU cho tới khi sửa đổi lại các quy định này dựa trên báo cáo đánh giá nguy cơ. Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cũng đồng ý với đề xuất của NAFIQAD và yêu cầu Nhật Bản xem xét mức giới hạn cho phép của Nhật Bản sao cho tương đồng với các nước khác vì một số quy định cấm của Nhật Bản đối với hóa chất, kháng sinh như Trifluralin và Enrofloxacin đều cao gấp 10 lần so với quy định của các nước khác!(?). “Các DN Việt Nam cũng hết sức nỗ lực trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. VASEP đã tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham gia của văn phòng đại diện của các nhà NK Nhật Bản tại Việt Nam để cùng nhau kiểm soát tốt hơn an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản XK sang Nhật Bản nói riêng và các nước khác nói chung”, ông Nam thông tin thêm với Đoàn Thanh tra Nhật Bản tại cuộc họp. Đoàn Thanh tra Nhật Bản đã ghi nhận và đồng tình với ý kiến đề xuất của đại diện VASEP. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 cơ quan kiểm soát an toàn vệ sinh thủy sản 2 nước, cùng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt được các cơ sở nuôi và chế biến thủy sản Việt Nam thực hiện trong thời gian vừa qua cũng như sau này, có cơ sở để tin tưởng rằng số lô hàng thủy sản XK sang Nhật bị cảnh báo nhiễm kháng sinh sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Theo Vasep



Báo cáo phân tích thị trường