Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Diễn biến mới trên thị trường gạo: Trung Quốc có thể quay lại thị trường?
28 | 09 | 2011
Liệu Trung Quốc có trở lại thị trường gạo toàn cầu? Thái Lan hủy bỏ hợp đồng gạo với Indonesia, làm gia tăng tranh cãi về chương trình thu mua gạo của nước này. Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục giao dịch sôi động. Iraq mua gạo từ Ấn Độ, thay vì từ Nam Mỹ.

Mười ngày trước khi chính phủ Thái Lan chính thức bắt đầu chương trình thu mua gạo với giá khoảng 500 USD/tấn, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan vẫn chưa có động thái nâng giá chào hàng. Thậm chí, các nhà xuất khẩu Thái Lan còn hạ giá chào hàng trong phiên giao dịch ngày 27/9, trong khi giá chào bán từ Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ và Nam Mỹ hầu như không thay đổi.

Trong khi các nhà xuất khẩu Thái Lan tiếp tục giữ nhịp độ giao dịch thông thường thì các nhà xuất khẩu Việt Nam đang có một thời kỳ bán hàng hết sức sôi động. Tính đến thời điểm này trong năm, Việt Nam đã ký hợp đồng bán khoảng 6,8 triệu tấn gạo; trong đó, 5,6 triệu tấn gạo đã được giao. Nếu Việt Nam giữ nhịp độ giao dịch như hiện tại thì kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2011 có thể đạt 9 triệu tấn. Mặc dù vậy, Việt Nam có thể khó chạm được ngưỡng xuất khẩu này do các nhà xuất khẩu Ấn Độ cũng đang tích cực hoạt động trên thị trường.

Trong khi thị trường đang dồn sự chú ý vào diễn biến giá gạo từ Thái Lan, các nhà giao dịch Trung Quốc đang xem xét giá gạo thế giới và cân nhắc việc quay trở lại thị trường. Các nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ quyết định xuất khẩu gạo trở lại. Trung Quốc thường thực hiện xuất khẩu theo chu kỳ khi nhận thấy giá gạo thế giới đủ hấp dẫn để các nhà xuất khẩu nước này quay trở lại thị trường. Trong khi một số nhà chức trách Trung Quốc đang bận rộn với việc đối phó với nguồn gạo giá rẻ từ Campuchia đang vận chuyển qua biên giới; một số các nhà chức trách khác lại đang xem xét khả năng xuất khẩu một lượng gạo cũ trong số gạo mà chính phủ nước này đã dự trữ nhiều năm qua.

Một nhà kinh tế cấp cao tại HSBC bày tỏ quan điểm, nếu giá gạo quốc tế tăng cao, áp lực lên nguồn tạo tại Trung Quốc cũng tăng lên. Các nhà sản xuất địa phương sẽ có động lực lớn để xuất khẩu. Hiện gạo không phải là động lực chính trong cơ cấu chi phí thực phẩm tại Trung Quốc. Thịt lợn và rau đã gia tăng tầm quan trọng nhanh chóng trong năm qua, cũng như lúa mỳ ngày càng chiếm vị trí quan trọng hơn trong cơ cấu chi phí thực phẩm của người Trung Quốc. Sự tăng giá thực phẩm trên thị trường quốc tế chỉ có ảnh hưởng rất hạn chế lên giá thực phẩm nội địa Trung Quốc.

Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết nước này sẽ tung ra khoảng một nửa lượng gạo dự trữ tạm thời, hiện do các địa phương nắm giữ. Nếu các số liệu từ Trung Quốc là đáng tin cậy thì lượng gạo dự trữ tạm thời công của nước này là khoảng 1,3 triệu tấn. Liệu một phần lượng gạo này có được chuyển sang các nước châu Phi? Hay chính phủ Trung Quốc đang thực hiện điều chỉnh kho dự trữ để có chỗ cho mùa vụ thu hoạch tới? Giá gạo tương lai tại Trung Quốc ngày 27/9 giảm khoảng 6 USD, xuống mức 380 USD/tấn.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là rất nhiều nhà giao dịch gạo Thái Lan cũng có gốc Trung Hoa. Những chỉ trích về chương trình thu mua gạo của chính phủ Thái Lan ngày càng gay gắt hơn và người ta lo ngại chính phủ Thái Lan có thể tan vỡ vì chương trình thu mua gạo này. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan vẫn không lùi bước trước những chỉ trích. Sau khi gạt sang một bên những bất đồng về ảnh hưởng của chương trình thu mua gạo này đến tình hình tài chính công của Thái Lan, đồng thời có thể đẩy giá gạo thế giới tăng cao, và cuối cùng, sẽ ảnh hưởng xấu đến nông dân và người tiêu dùng toàn cầu. Chính phủ Thái Lan cũng vừa hủy hợp đồng gạo với Indonesia, một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất châu Á. Các nhà chức trách hiện nay của Thái Lan không đồng tình với giao dịch được thực hiện bởi chính phủ cũ của Thái Lan, đòng ý bán 300 ngàn tấn gạo 15% Thái Lan ở mức giá khoảng 550 USD/tấn.

Trong số các luồng ý kiến chỉ trích hành động của chính phủ Thái Lan, một số ý kiến cũng nói đến làm cách nào Thái Lan có thể đối mặt với khả năng các nước khác dùng biện pháp trả đũa khi chương trình thu mua của Thái Lan có thể vi phạm những cam kết của nước này khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, theo ý kiến của phó Thủ tướng Thái Lan, chương trình thu mua gạo của nước này không phải là một biện pháp trợ cấp cho nông dân và các nhà sản xuất mà là mua gạo từ nông dân với mức giá hợp lý hơn. Tuy vậy, lập luận này không hợp với suy luận logic nhưng có lẽ chính phủ Thái Lan sẽ không phải quá lo lắng trước luồng ý kiến này do trước đó Brazil và Costa Rica cũng từng vi phạm rõ ràng các cam kết với WTO và hiện vẫn hoạt động giao dịch bình thường trên thị trường.

Kim Dung AGROINFO

Theo Oryza


Báo cáo phân tích thị trường