Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trong nước giành thị phần
29 | 09 | 2011
Ở Đắk Lắk, cứ vào niên vụ thu hoạch cà phê, các doanh nghiệp nước ngoài thường thông qua các đại lý, doanh nghiệp trong nước tổ chức thu mua, gom hàng, chiếm hơn 50% thị phần thu mua cà phê nhân xuất khẩu ở Đắk Lắk.
Theo ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công Thương, trong 10 tháng niên vụ cà phê 2010- 2011, cả tỉnh có 12 doanh nghiệp trong nước thu mua xuất khẩu cà phê với số lượng trên 223.407 tấn cà phê nhân. Trong khi đó, 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gồm: Công ty Olam Việt Nam, Công ty Đắk Man, Amazaro, Chi nhánh Công ty Newman, Chi nhánh Công ty Vĩnh An, Chi nhánh Công ty Hà Lan- Việt Nam đã thu mua trên 195.000 tấn cà phê nhân, chiếm trên 50% thị phần thu mua cà phê xuất khẩu trên địa bàn. Theo ông Võ Thanh, việc thu mua cà phê của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật (không được mua trực tiếp cà phê nhân của người nông dân). 
Theo các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà phê trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm thị phần thu mua cà phê lớn là do mạnh về vốn, lại tiếp cận được nguồn vay lãi suất thấp từ các ngân hàng và ít biến động (vay bằng USD). Ngược lại, doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu trong nước ít vốn, vốn vay các ngân hàng thương mại trong nước chịu lãi suất cao gấp 5- 6 lần so với các doanh nghiệp nước ngoài lại nhiều thủ tục “nhiêu khê” nên mất nhiều cơ hội. Lãnh đạo Công ty xuất khẩu cà phê 2-9 (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, các do doanh nghiệp nước ngoài mạnh vốn nên tổ chức thu mua với giá cao hơn mặt bằng, do vậy, gom hàng nhanh. Doanh nghiệp trong nước đã yếu thế về vốn lại tồn tại nhiều bất cập trong công tác tổ chức nên không thể thu mua sản lượng cà phê theo đúng kế hoạch. Điển hình, niên vụ cà phê 2010- 2011, công ty thu mua giảm hơn năm ngoái trên 2.000 tấn. Công ty Đầu tư và Xuất khẩu cà phê Tây Nguyên năm ngoái thu mua xuất khẩu trên 140.000 tấn cà phê nhân nhưng theo đánh giá nay cũng không thể vượt qua 100.000 tấn. 
Qua tìm hiểu thực tế, phần lớn các đại lý thu mua cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua bán cà phê sòng phẳng hơn các doanh nghiệp trong nước thông qua việc mua đến đâu, thanh toán đến đó. Do vậy, nhiều người thích làm đại lý thu mua cà phê cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trần Hiếu cho rằng, để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu mua cà phê trên địa bàn là tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, qua đó, các nông hộ sản xuất cà phê được lợi nhiều hơn do có cơ chế giá cạnh tranh. Đây cũng chính là động lực để các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà phê trong nước tự nâng cao năng lực, hoàn thiện bộ máy, mở rộng thị trường... 
Hiện nay, hàng loạt các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà phê lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu liên kết với các nông hộ xây dựng vùng nguyên liệu rộng hàng ngàn ha để đầu tư vật tư, hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh, sản xuất cà phê sạch, có chứng chỉ, bao tiêu sản phẩm...Với cách làm này, các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà phê trong nước trên địa bàn tỉnh về lâu dài từng bước chủ động được nguồn nguyên liệu, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê cũng yên tâm về cơ chế đầu tư, tiêu thụ sản phẩm lẫn không sợ bị thua thiệt về giá cả. 
Trước mắt, trong niên vụ cà phê 2011-2012, tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách mua tạm trữ cà phê đúng thời điểm, điều chỉnh vốn vay hợp lý để các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà phê trong nước không rơi vào hoàn cảnh vừa chống đỡ với giá, vừa chống đỡ với lãi suất vay ngân hàng, chiếm lại thị phần để đảm bảo được số lượng cà phê thu mua xuất khẩu theo đúng kế hoạch./.
Theo TTXVN


Báo cáo phân tích thị trường