Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôm cá trúng mùa... xuất khẩu
06 | 10 | 2011
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 9 ước đạt 615 triệu đô la, đưa giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 4,4 tỉ đô la, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo giá trị thủy sản xuất khẩu năm nay hơn 6 tỉ đô la, trong đó xuất khẩu cá tra ước tính mang lại giá trị kim ngạch hơn 1,7 tỉ đô la.

Thị trường rộng mở

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2011 đạt 3,79 tỉ đô la, chiếm 6,14% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 27,35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 8, thị trường thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ với kim ngạch  tiếp tục tăng 10,77% so với tháng trước, đạt 124,59 triệu đô la. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đã chiếm 19% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm của cả nước, tăng 4,53% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu sang Nhật tiếp tục tăng 3 tháng liên tiếp, tháng 8 tăng 13,63% so với tháng 7, đạt 104,83 triệu đô la; đưa khối lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2011 sang thị trường này đạt 573,95 triệu đô la, chiếm thị phần 15,1%, tăng 4,53% so với cùng kỳ.

Tiếp đến là các thị trường lớn cũng đạt kim ngạch trên 100 triệu đô la trong 8 tháng đầu năm như Hàn Quốc 301,63 triệu đô la, Đức 162,39 triệu đô la, Trung Quốc 138,69 triệu đô la…

Xuất khẩu cá tra nửa đầu tháng 8 sang các thị trường đạt 66,64 triệu đô la, tăng  28,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt 13,1 triệu đô la, tăng  128% do nguồn nội địa khan hiếm làm cho giá xuất khẩu tăng mạnh. Trong khi đó giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 18,66 triệu đô la, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến 15/8/2011, tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng cá tra đạt 1,04 tỉ đô la, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2010.

Theo số liệu hải quan, từ đầu năm đến 15/8/2011, giá trị xuất khẩu tôm sang các thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh, trừ  Nhật  Bản là thị trường duy nhất giảm tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu tôm sang Nga tăng mạnh nhất với trên 484%, các thị trường khác để có mức tăng trưởng 2 con số, trừ Australia chỉ tăng trưởng 9,6%.

Tại thị trường Nhật Bản, giá tôm he HLSO có xuất xứ Ấn Độ cỡ 21/25 và 26/30 giảm 0,64 đô la/block (block 2kg). Giá tôm sú HLSO có xuất xứ Ấn Độ cỡ 16/20 giảm 1,27 USD/block, giá tôm cùng loại có xuất xứ Việt Nam cỡ 16/20, 21/25 và 26/30 cũng giảm nhẹ 0,64 đô la/block. Giá tôm sú HLSO có xuất xứ Indonesia cỡ 16/20, 31/40 và 41/50 giảm 0,64 đô la/block, riêng giá tôm cỡ 26/30 lại tăng 2,55 đô la/block (block 1,8 kg).

Tại Tây Ban Nha, giá tôm chân trắng nguyên con có xuất xứ Ecuado cỡ 30/40, 50/60, và 60/70 cùng tăng thêm 0,28-0,34 đô la/kg.

Trong thời gian tới, giá tôm được dự báo sẽ vẫn đứng ở mức cao do nguồn cung cấp tôm nguyên liệu bị hạn chế trong khi giá tôm chân trắng sẽ ổn định hơn nhờ nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan tăng. Lượng dự trữ tôm của Nhật Bản ở mức thấp sẽ kích thích  nhập khẩu và các sản phẩm giá trị gia tăng tiếp tục được ưa chuộng hơn trên thị trường này.

Thị trường Mỹ sẽ mở rộng hơn khi những lo ngại về khủng hoảng nợ công qua đi. Người tiêu dùng đã có những phản ứng tích cực mặc dù giá tôm cao nhưng nhu cầu tiêu dùng  mặt  hàng này vẫn tăng cao. Tuy nhiên, nguồn cung tôm cho thị trường Mỹ, đặc biệt từ châu Á, gặp nhiều trở ngại do thiên tai và dịch bệnh ảnh hưởng tới sản lượng của hai nước sản xuất chính là Thái Lan và Việt Nam. Ấn Độ nhanh chóng trở thành nước cung cấp tôm chính hiện nay nhờ điều kiện sản xuất thuận lợi và áp dụng nhiều công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Giá cá da trơn tại Mỹ tăng liên tục từ đầu năm 2011 cho đến nay. Giá cá da trơn chế biến trung bình 7 tháng năm 2011 tại Mỹ đạt 3,28 đô la/lb, tăng 33,3% so với trung bình 7 tháng năm 2010. Riêng trong tháng 7, giá trung bình cá da trơn tại Mỹ đạt 3,68 đô la/lb, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2010. Dự báo giá cá da trơn tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm 2011 do nguồn cung khan hiếm.

Trong nước: Cung không đủ cho chế biến

Sản xuất thuỷ sản trong quí 3 tương đối thuận lợi, hiệu quả sản xuất đạt khá. Ước tính sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 9 đạt 318 nghìn tấn, đưa tổng sản lượng 9 tháng năm 2011 đạt 2.163 ngàn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 9/2011 hoạt động khai thác thủy sản thuận lợi, hiệu quả sản xuất đạt khá, giá cả thu mua tăng và sản lượng khai thác tiếp tục tăng so với cùng kỳ, hiệu quả khai thác của các nghề tương đối cao và có xu hướng tăng trong những tháng tiếp theo của vụ cá Nam.

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 9/2011 ước đạt 244 ngàn tấn, đưa sản lượng  khai thác thủy sản 9 tháng năm 2011 đạt 1.973 ngàn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản trong nước qua từng tháng - Nguồn: Bộ NN-PTNT

Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 giá cá tra có xu hướng tăng ở cả hai loại cá thịt trắng và cá thịt vàng. Cá tra loại 1 cỡ 0,7-0,8 kg/con tại An Giang đã tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg, đạt 23.500 - 24.000 đồng/kg.

Giá cá tra có xu hướng tăng vì thiếu nguồn nguyên liệu do các doanh nghiệp đang tích cực thu mua để chế biến chuẩn bị cho đợt xuất hàng cuối năm sau thời gian tạm lắng vì kỳ nghỉ hè tại thị trường châu Âu.

Tại Cà Mau, giá tôm khá ổn định, cụ thể: giá tôm sú loại 1, cỡ 20 con/kg có giá 245.000 đồng/kg, tôm cỡ 30 con/kg dao động trong khoảng từ 180.000-190.000 đồng/kg, tôm cỡ 40 con/kg đạt 160.000 đồng/kg.

Dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng trong năm 2011

 

Thời điểm

GTXK thủy sản (USD)

r=6,6%

GTXK cá tra (USD)

r=10,0%

Tháng 1*

Tháng 2*

Tháng 3*

Tháng 4*

Tháng 5*

Tháng 6*

Tháng 7*

Tháng 8*

Tháng 9**

Tháng 10**

Tháng 11**

Tháng 12**

434.438.000

257.770.000

459.368.000

465.964.000

481.812.000

517.752.000

570.280.000

614.451.286

595.111.046

624.740.485

548.434.872

522.160.412

138.100.000

84.798.000

153.502.000

144.909.000

150.744.000

156.588.000

152.545.000

160.749.376

158.664.767

172.010.073

147.197.930

148.790.545

Cộng

6.092.282.100

1.768.598.691

Nguồn: Kết quả dự báo của Trung tâm Tin học và Thống kê

Ghi chú: *Giá trị thực tế **Giá trị dự báo, r – sai số dự báo

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê - Bộ NN-PTNT



Báo cáo phân tích thị trường