Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Diễn biến thị trường trong nước ngày 2/8/2007
03 | 08 | 2007
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, giá tôm sú tại khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm mạnh. Hiện tôm sú loại 20 con/kg giá chỉ còn 145.000-152.000 đồng/kg; tôm 30 con/kg, giá 100.000-102.000 đồng/kg; tôm 40 con/kg giá 76.000- 79.000 dồng/kg, bình quân giảm 25.000- 35.000đồng/kg so với thời điểm đầu năm.
Nguyên nhân tôm giảm giá mạnh là do các tỉnh thu hoạch rộ nên bị thương lái ép giá. Mặt khác, tại một số tỉnh như Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh... nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp trúng mùa, năng suất bình quân 5,5 đến 6 tấn/ha, sản lượng tăng cao hơn năm ngoái từ 0,5 đến 1 tấn/ha.

Từ đầu tháng 7 đến nay, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng thu mua cá tra thịt trắng với giá chỉ hơn 11.000 đồng/kg, cá tra thịt vàng còn 10.200 đồng/kg, giảm từ 5.000- 7.000 đồng/kg so với đầu năm 2007. Cá tra rớt giá được dự báo từ khi các nhà máy trong khu vực tăng cường thu mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu, kéo theo việc nhiều người dân tự phát đào ao nuôi cá, dẫn đến lượng cá nguyên liệu tăng cao hơn nhiều lần so với lúc bình thường. Giới chuyên doanh ngành hàng này dự báo, giá cá tra nguyên liệu có thể phục hồi trở lại sau vài tháng nữa nếu thị trường xuất khẩu được mở rộng.

Tôm sú tại bạc liêu sụt giá mạnh do bị ép giá

Giá tôm sú nguyên liệu trên thị trường tại Bạc Liêu đang sụt giảm rất mạnh mặc dù không phải là thời điểm chính vụ của mùa tôm năm 2007. Giá tôm sú loại 30 con/kg chỉ còn 100.000-102.000 đồng/kg, giảm hơn 33.000 đồng/kg so với đầu vụ; tôm lọai 40 con/kg chỉ còn dưới 80 ngàn đồng/kg, giảm hơn 20 ngàn đồng/kg so với hồi tháng 6/2007.

Nhiều người nuôi tôm trong tỉnh cho biết, nguyên nhân của tình trạng tôm sú rớt giá là do các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh chỉ mua chưa đến 25% sản lượng tôm sú sản xuất trên địa bàn vì doanh nghiệp chủ yếu là mua tôm biển để chế biến. Năm nay tôm biển lại trúng mùa nên lượng tôm sú sản xuất bị “ế” giả tạo và bị các đại lý, thương lái nhân thể ép giá mua đối với người sản xuất. Thương lái mua gom tôm sú Bạc Liêu để cung cấp cho các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cần Thơ với sản lượng lớn và thu lợi nhuận rất cao. Thị trường mua tôm sú nguyên liệu tại Bạc Liêu chỉ tập trung vào một số “tổng đại lý”và những doanh nghiệp này hoàn toàn điều phối giá mua tôm sú nguyên liệu trên tòan địa bàn. Người sản xuất không hề biết bán cho ai khác ngòai những đại lý chân rết của các doanh nghiệp này. Vì thế, giá tôm sú bị ép xuống.

Hàng hóa đồng loạt tăng giá ở Yên Bái

Hiện nay, các mặt hàng hóa trên thị trường tỉnh Yên Bái đang bước vào đợt tăng giá đồng loạt, giá cả tăng cao cả ở thành thị và nông thôn.

Các mặt hàng thực phẩm tại tỉnh như dầu ăn Neptune 5 lít đã lên 105.000 - 110.000 đồng/can, tăng 35.000- 40.000 đồng/can so với đầu năm; giá các loại sữa cũng tăng đến 20% trong khi sức mua của người dân không giảm. Các mặt hàng lương thực cũng đứng ở mức cao. Ngày 1/8, giá thóc tẻ trong tỉnh ở mức 3.300- 3.500 đồng/kg, gạo tẻ 6.000-6.500 đ/kg, thịt lợn 36.000-37.000 đ/kg, thịt gà mổ sẵn 51.000-55.000đ/kg, hàng công nghệ thực phẩm như đường tinh xuất khẩu 11.500-13.000 đ/kg. Hàng nông sản như chè búp tươi 3.000-4.000 đ/kg, chè đen 2.000-2.300 đ/kg. Hàng vật liệu xây dựng như sắt từ phi 6 đến phi 8 Hải Phòng (HP) 10.500 đ/kg, sắt phi 14 HP 140.000 đ/cây, sắt phi 16 HP giá 187.000 đ/kg, xi măng Hải Phòng 780.000 đ/tấn, xi măng Yên Bái 685.000 đ/tấn...

Theo các chuyên gia thị trường, giá cả hàng hóa trong tỉnh Yên Bái sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, nhất là những tháng cuối năm ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Cục Thống kê tỉnh Yên Bái cho biết, tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh đã tăng 0,96% so với tháng 6 và là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.



Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường