Chỉ một tuần đầu tháng 10, giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đã 2 lần tăng giá liên tiếp. Lần tăng giá thứ 2 trong tuần đầu tháng 10 này, giúp đẩy giá lúa gạo lên cao nhất từ năm 2009 đến nay.
Lúa gạo lập kỷ lục cao nhất 3 năm qua
Thông tin từ cánh thương lái mua lúa tại chợ lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng 300-350 đồng/kg so với mức giá ngày 3/10. Cụ thể, lúa IR 50404 khô được thương lái mua với giá 7.300 - 7.350 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất trong trong 3 năm trở lại đây.
Lúa IR 50404 tươi cũng được thương lái săn tìm mua với giá 6.200 - 6.350 đồng/kg, tăng 200-350 đồng/kg, tuy nhiên hiện nguồn lúa tươi hầu như đã không còn.
Các loại lúa hạt dài như OM 4218, OM 5451, OM 1490, OM 4900 tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long…, tiếp tăng 200 - 250 đồng/kg lên mức giá 7.500 - 7.600 đồng/kg (giá thương lái trực tiếp thu mua trong dân). Đặc biệt, với các giống lúa chất lượng cao như Jasmine có giá 7.700 - 7.850 đồng/kg.
Hiện giá gạo nguyên liệu và thành tại các chợ lương thực đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang; Trung tâm nông sản xã Phú Cường và khu vực kinh doanh gạo xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang tiếp tục tăng 200-300 đồng/kg so với mức giá ngày 3/10.
Anh Nguyễn Thành Hơn, thương lái mua lúa tại xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, gạo lức của giống lúa IR50404 hiện được các doanh nghiệp chế biến gạo thu gom với giá 9.600 - 9.700 đồng/kg, tăng 200 - 300 đồng/kg; gạo nguyên liệu dùng chế biến gạo 5% tấm có giá 9.800-10.000 đồng/kg, gạo nguyên liệu chế biến gạo 25% tấm có giá 9.500 - 9.600 đồng/kg, tăng 250 đồng/kg.
Gạo thành phẩm cũng tiếp tục tăng 200-300 đồng/kg, lên mức giá 11.500 - 11.700 đồng/kg đối với gạo 5% tấm; gạo 15% tấm cũng tăng lên mức giá 11.000 - 11.100 đồng/kg; 25% tấm là 10.500 - 10.700 đồng/kg.
Đại diện Doanh nghiệp kinh doanh lương thực Hiệp Lợi, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, lúa nguyên liệu trong nước đã cạn, trong khi nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục tăng cao là nguyên nhân đẩy giá lúa gạo nội địa tăng lên.
Nông dân tiếc, thương lái lùng tìm
Trung tâm tin học và thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra dự báo, năm 2011 xuất khẩu gạo của Việt Nam là 7,5 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 3,7 tỉ đô la Mỹ. |
Ông Trần Văn Hùng ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, tiếc rẻ nói: “Biết giá lúa lên như vậy (7.300-7.850 đồng/kg) tui đâu có bán mà làm gì, để tới nay bán lời cả ngàn đồng một kg rồi”. Bà con nông dân tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long cho biết, mấy ngày nay cánh thương lái mua lúa đi khắp nơi lùng tìm mua lúa từ những hộ nông dân còn trữ lúa nhưng cũng đành thất vọng bởi lúa trong dân đã hết.
Khi người viết hỏi: “Tôi có người quen còn 30 tấn lúa IR 50404 khô đang kêu bán, nhưng hơi bị dơ (nhiều tạp chất) anh có mua không? Anh Nguyễn Văn Tèo, một cò mua lúa tại xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, Tiền Giang nói thẳng: “Cỡ nào tôi cũng gom hết, dơ thì giá rẻ hơn một tí chứ có gì đâu”. “Lúc rày có lúa mua là mừng rồi ở đó mà chê bai gì nữa”- cò Tèo cười nói thêm.
Anh Nguyễn Thành Hơn thường mua lúa tại của khẩu Bà Thu, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, Long An cho biết, 3 ngày qua anh đến của khẩu Bà Thu tìm nguồn cung từ Campuchia, nhưng cũng chỉ mua được 15 tấn (ghe 30 tấn). Theo anh Hơn cho biết, hiện nguồn cung lúa hàng hóa tại nước Campuchia cũng đã gần hết.
Theo dự đoán của Bà Nguyễn Thị Ánh, giám đốc doanh nghiệp Tấn tài III, Tiền Giang, từ này đến cuối năm nhiều khả năng giá lúa gạo sẽ còn tiếp tục tăng cao vì áp lực tăng giá từ Thái Lan cũng như nhu cầu xuất khẩu đang tăng. Trong khi đó, nguồn cung lúa hàng hóa từ An Giang, Đồng Tháp sẽ giảm bởi ảnh hưởng của lũ lụt.
Theo TBKTSG