Từ trước đến nay, những nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn có lợi thế đàm phán giá rất cao trên thị trường thủy sản thế giới khi xét đến quy mô của thị trường này. Tuy nhiên, thị trường thủy sản thế giới gần đây đã trải qua những lần tăng giá liên tục do nhu cầu tăng tại châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và sản lượng đánh bắt ngày càng suy giảm.
Giá nhập khẩu cua hoàng đến từ vùng Viễn Đông Nga đã tăng gấp đôi, lên 2.252 Yên/kg; trong khi đó, giá cua tuyết cũng tăng 30%, chủ yếu là do áp lực nhu cầu nhập khẩu cao của Hàn Quốc và Trung Quốc.
Thị trường cá ngừ thậm chí còn cạnh tranh khốc liệt hơn, đặc biệt là khi phải tranh giành nguồn cung với EU, đã đẩy giá cá ngừ mắt to lên 850 Yên/kg, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2010. Tại các đảo phía Nam Thái Bình Dương, các công ty Nhật Bản thường cố định giá hợp đồng giao 6 tháng dựa trên cơ sở đồng Yên, do đó, họ không thể hưởng lợi từ việc đồng Yên tăng giá. Giá nhập khẩu trung bình cá ngừ vây xanh đông lạnh ở mức 2.889 Yên/kg.
Giá bạch tuộc tăng 30%, lên mức 710 Yên/kg do những nhà cung cấp lớn là Morocco và Mauritania áp dụng các biện pháp hạn chế đánh bắt ngặt nghèo hơn. Giá tại các siêu thị Nhật Bản, vì thế, cũng tăng theo.
Giá cá than cũng tăng 23%, lên mức 1.553 Yên/kg và giá cá chỉ vàng mắt vàng cũng tăng 51% lên 575 Yên/kg.
Giá thủy sản nói chung tiếp tục tăng trong tháng 8 do sản xuất thủy sản nội địa của Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa động đất – sóng thần hồi đầu tháng 3.
Ngoài ra, trong tháng 9, các ngư dân tại Hokkaido không thể bắt đầu vụ khai thác cá hồi khi mùa thu bắt đầu do một trận bão mạnh. Do đó, nguồn cung cá hồi tươi trên thị trường này thiếu hụt. Giá bị đẩy lên cao bất thường, bất chấp những dự đoán cho thấy nguồn cá sẽ trở lại.
Tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng 7/2011 giảm 9%, xuống mức 164 ngàn tấn nhưng giá trị nhập khẩu vẫn tăng.
Ngược với khuynh hướng giá tăng trên thị trường thủy sản bán buôn, giá các loại thực phẩm chung và hàng hóa tiêu dùng hộ gia đình tại các siêu thị lại giảm trong tháng 7.
Các nhà bán lẻ đang tích cực chiết khấu giá nhờ đồng Yên mạnh lên. Điều này đặt các nhà nhập khẩu vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi họ phải chi trả nhiều hơn cho hàng hóa nhập khẩu nhưng không thể chuyển một phần gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng.
Kim Dung AGROINFO
Theo Seafood Source