Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hậu lũ lụt: Hàng nghìn tấn lúa mốc meo
28 | 10 | 2011
Sau đợt lũ giữa tháng 10 vừa qua, hàng nghìn tấn lúa của nông dân tỉnh Quảng Trị đã bị lên men, mọc mầm và mốc meo do không có chỗ cao ráo để phơi phóng.

Đắng lòng “hạt vàng”

Những ngày này, các lò sấy trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Trị phải hoạt động hết công suất, liên tục 24/24 giờ. Trước cửa các lò sấy, người dân xếp hàng chờ sấy lúa. Chị Nguyễn Thị Gái (thôn Phước Lễ, Triệu Phước, Triệu Phong) nghẹn ngào: “Nhà tôi làm được 3 tấn lúa, mới gặt về đến sân thì nước lũ lên. Công sức bao nhiêu ngày chăm bón giờ chỉ là đống lúa bỏ đi. Tôi ráng đi sấy để đem về cho lợn, gà nó ăn, chứ bỏ đi từng ấy lúa, tôi đau lòng lắm”.

Được biết, lúa hỏng nhiều nhất là ở huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh. Ông Trương Quang Hùng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Triệu Phong, cho biết: “Hàng nghìn tấn lúa của nông dân hư hỏng đến mức lợn cũng không thèm ăn. Là nông dân, ai nhìn cảnh này cũng đau ruột”. Theo ông Hùng, sau lũ, toàn huyện có đến 8.000 tấn lúa bị nảy mầm, lên mốc, chủ yếu tập trung ở các xã vùng trũng Triệu Giang, Triệu Trung, Triệu Phước, Triệu Tài, Triệu Độ…

Ngồi trước đống lúa mốc đen, mọc mầm trắng, anh Nguyễn Văn Tuấn xót xa: “Lúa đem về nhà rồi mà phải chịu mất anh ơi!”.

Nỗ lực cứu lúa

Mấy hôm nay, ông Nguyễn Văn Tùng (Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh) phải đôn đáo thuê xe tải chở 9 tấn lúa vào TP.Đông Hà để sấy. Từ nhà ông đến địa điểm sấy lúa cách hàng chục cây số, tính thêm phí sấy đã lên đến cả chục triệu đồng nhưng ông vẫn chấp nhận. Tiếp chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông lại nhíu đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ về phía đống lúa đã lên men. “Mọi năm, với 9 tấn lúa, tôi có thể lo cho các con ăn học, năm nay không biết lấy gì ăn đây” - ông tâm sự.

Nhưng để được hạt lúa của mình lên sàn máy sấy như ông Tùng không phải nông dân nào muốn cũng được. Do nông dân đi sấy lúa quá đông, chủ máy sấy yêu cầu nông dân phải đăng ký theo thứ tự. Nhiều người đi sấy lúa phải ngắn dài nước mắt ra về vì thấy phải chờ đến mấy ngày mới đến lượt mình. Lúa đã mốc mà chờ mấy ngày thì còn gì mà sấy nữa! Ông Hồ Hướng - chủ máy sấy Hướng Phát (Hải Thượng, Hải Lăng), cho biết: “Nông dân bị lúa mốc nhiều quá, họ xếp hàng vòng trong vòng ngoài. Mấy hôm nay, đêm nào tôi cũng thức trắng để đốc thúc công nhân sấy lúa cho bà con, vậy mà vẫn không xuể”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để sấy được một mẻ lúa 10 tấn phải mất 1 ngày đêm. Thời gian sấy khô thực tế chỉ khoảng 17 giờ đồng hồ, tuy nhiên thời gian chuyển lúa vào lò, ngăn lúa cho từng người chiếm thêm 7 giờ nữa. Như vậy, để sấy khô lúa cho hàng nghìn nông dân trên toàn tỉnh là một chuyện không thể. Hàng nghìn tấn lúa cũng vì thế đành phải bỏ đi.

Hiện nay giá trung bình mỗi chiếc mấy sấy là 150 triệu đồng, kể cả nhà che, sàn sấy… Với mức giá đó rất khó để một người nông dân bỏ tiền ra đầu tư. Nhưng thiết nghĩ, nếu Nhà nước quan tâm cùng nhân dân lắp đặt những chiếc máy này tại những vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt thì sẽ hữu ích biết bao. Nông dân vùng lũ không còn mất trắng khi lúa đã về đến nhà, cũng không còn cảnh trắng đêm ngồi chờ đến phiên mình sấy lúa.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường