Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa gạo: Thành công năm nay, lo năm tới
31 | 10 | 2011
“Diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn, vụ lúa năm 2011-2012 tới sẽ gặp không ít khó khăn về kế hoạch xuống giống do ảnh hưởng của lũ lụt”.

Đó là ý kiến nhận định của các đại biểu tham gia hội nghị “Sơ kết sản xuất lúa năm 2011 và triển khai vụ đông xuân 2100-2012 các tỉnh Nam bộ” được tổ chức tại Hậu Giang ngày 28/10.

Dân trúng mùa, doanh nghiệp trúng xuất khẩu gạo

Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, dù điều kiện sản xuất lúa năm 2011 còn gặp nhiều khó khăn như thời tiết biến đổi thất thường, tình hình lũ lụt dâng cao. Cụ thể, trong vụ lúa thu đông 2011 (vụ 3), chỉ riêng các tỉnh ĐBSCL lũ lụt đã làm 7.000 héc ta lúa bị thiệt hại hoàn toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng lúa của cả nước.

Tuy nhiên theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2011, diện tích và sản lượng lúa khu vực Nam bộ vẫn vượt chỉ tiêu đề ra. Theo đó,  tổng diện tích xuống giống năm 2011 cả nước đạt trên 4,5 triệu héc ta, tăng gần 135 ngàn héc ta so với năm 2010. Sản lượng lúa chung cả nước có thể đạt 40 triệu tấn, tăng gần 1,3 triệu tấn so với năm 2010.

Riêng khu vực ĐBSCL, sản lượng đạt gần 23 triệu tấn lúa, tăng trên 1,165 triệu tấn so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, năm nay là năm đầu tiên sản xuất lúa của Hậu Giang đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay với 1,2 triệu tấn, tăng 100 ngàn tấn so với năm ngoái. Nếu so với thời điểm cách đây 8 năm (khi Hậu Giang vừa chia tách khỏi Cần Thơ), sản lượng lúa của Hậu Giang đã tăng khoảng 400 ngàn tấn. 

Sản lượng lúa khu vực Nam bộ tác động lớn tới xuất khẩu. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất khẩu trên 6,2 triệu tấn gạo, trị giá trên 3 tỉ đô la với giá xuất khẩu bình quân là 482 đô la/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2010. Tính đến cuối tháng10, lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm qua cả về lượng và giá trị.

Đặc biệt, đối với gạo thơm, năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu được 400 ngàn tấn với giá bình quân 700 đô la/tấn, chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường Hồng Kông, vốn lâu nay là thị trường quen thuộc của Thái Lan. Dự kiến trong năm tới, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 500-600 ngàn tấn gạo thơm.

Thách thức phía trước

Việt Nam xuất 6,5 triệu tấn gạo năm tới

Báo cáo tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất lúa năm 2011 và triền khai vụ đông xuân 2011-2012 các tỉnh Nam bộ, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội lượng thực Việt Nam cho biết, năm 2012 dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu trên dưới 6,5 triệu tấn gạo.

Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã đề ra kế hoạch vụ lúa 2011-2012 với yêu cầu là các địa phương phải giữ vững diện tích xuống giống; tăng năng suất và sản lượng lúa của toàn vùng. Theo đó, lịch thời vụ xuống giống được bộ này triển khai như sau: xuống giống vụ đông xuân bắt đầu từ đầu tháng 11 và kết thúc ở tháng 12 (dương lịch), chủ yếu tập trung xuống giống trong tháng 11; vụ hè thu xuống giống trong tháng 4 và 5 (dương lịch); vụ thu đông xuống giống trong 2 tháng 7 và 8 (dương lịch).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sản xuất lúa năm tới sẽ đối mặt với không ít khó khăn bởi tình hình diễn biến thất thường của thời tiết và sâu bệnh.

Ông Trần Gia Khảm, Trưởng phòng phía Nam, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, lũ năm nay tương đương với mực nước lũ năm 2000. Tuy nhiên, so với mực nước lũ năm 2000, thời gian duy trì lũ năm nay tương lâu, rút chậm và hiện vẫn còn cao hơn mức báo động 3 trên cả dòng chính và vùng nội đồng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười.

Đây là cơ hội phát triển sản xuất lúa năm 2012 vì có một lượng lớn phù sa được bổ sung vào đồng ruộng, nhưng nước lũ dâng cao, rút chậm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xuống giống vụ lúa đông xuân 2011-2012.

“Đợt lũ vừa qua đã làm 1,7 km đê bao cấp 3 ở Đồng Tháp bị sạt lở và hàng trăm km bờ bao, đê bao ở An Giang, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long hư hỏng nặng, gây ảnh hướng đến tiến độ xuống giống theo lịch thời vụ của Bộ NN&PTNT”- ông Khảm cho biết thêm. 

Ông Nguyễn Hữu Huân, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, năm tới khu vực ĐBSCL sẽ đối mặt với 2 nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Thứ nhất  đó là dịch rầy nâu bùng phát trở lại gây bệnh vàng lùn lùn xoắn lá; thứ 2 là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân ở giai đoạn lúa dưới 40 ngày tuổi, làm mất cân sinh thái, gây thiệt hại về năng suất do dịch bệnh bùng phát mạnh.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường