Mất mát lớn này có thể ảnh hưởng chỉ tiêu dôi ra 3 triệu tấn gạo trong năm nay của nước này. Hầu hết diện tích lúa giáp ranh với các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An, trong đó có cả phần diện tích của người dân Việt Nam sang thuê đất trồng bị mất trắng.
Nhiều năm trở lại đây, giữa Việt Nam và Campuchia đã thiết lập chính sách ưu đãi thuế xuất nhập khẩu lúa gạo ở một số địa phương giáp ranh hai nước nhằm khuyến khích người dân mua bán qua lại. Lượng gạo nằm trong diện ưu đãi thuế suất 0% mỗi năm từ Campuchia sang Việt Nam trung bình khoảng 100.000 tấn. Tuy nhiên, do lúa sản xuất ở Campuchia sử dụng dòng giống lúa thơm, thời gian sinh trưởng từ 6 tháng trở lên, chất lượng khá tốt nên cả thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu đều có nhu cầu mua, nên số thực nhập lớn hơn. Ngoài việc mua trực tiếp lúa của nông dân Campuchia, mấy năm gần đây còn có một lượng lớn lúa được người dân Việt Nam sang thuê đất trồng chuyển về. Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong vòng ba - bốn năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 800 ngàn đến 1 triệu tấn lúa từ Campuchia bán sang Việt Nam qua các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang.
Vụ lúa sản xuất chính của Campuchia thu hoạch vào thời điểm cuối tháng 12 đầu quý 1 năm sau. Giai đoạn này, ở Việt Nam cơ bản thu hoạch xong lúa mùa, và đang giáp hạt với vụ đông xuân, nguồn cung lúa gạo không còn nhiều nên việc có thêm lượng lúa nhập khẩu từ Campuchia bổ sung đáng kể cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký VFA, thừa nhận năm nay nhiều khả năng Việt Nam sẽ mất lượng lúa hàng hoá đáng kể nhập khẩu từ Campuchia. Ngoài nguyên nhân lũ lụt làm giảm nguồn cung, ông Huệ còn cho rằng, do Campuchia nằm giữa Việt Nam và Thái Lan nên lúa gạo chắc chắn sẽ chảy sang Thái Lan vì có chính sách mua giá cao hơn. Ngoài ra, lũ lụt làm thiệt hại khoảng 6 triệu tấn lúa tại các khu vực trồng lúa chủ yếu của Thái Lan, chiếm 40% xuất khẩu của Thái Lan sẽ khiến cho các doanh nghiệp Thái Lan phải tìm thêm nguồn cung gạo từ các quốc gia khác, trong đó có Campuchia.
Ngoài ra, ước tính con số thiệt hại lúa thu đông do lũ lụt tại các tỉnh ĐBSCL mà cục Trồng trọt công bố đã lên tới 7.000 ha. Nhận biết trước tình hình khó khăn này, nên ông Huỳnh Minh Huệ và một số doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhận định tồn kho gạo sang năm 2012 sẽ không đạt con số 800.000 tấn như năm ngoái. Năm nay, gạo tồn kho cũng không thể dành hết vào xuất khẩu cho quý một năm sau như các năm trước, mà phải dùng bù đắp lại lượng lúa thiếu hụt từ Campchia để cân đối tiêu thụ nội địa.
Ngày 30.10, khảo sát thị trường bán lẻ tại TP.HCM, hầu hết các loại gạo thơm tăng giá ít nhất 1.000 - 1.500 đồng/kg so với cách nay một tháng, lên mức trung bình từ 17.000 đến trên 20.000 đồng/kg. Gạo thường tăng lên 12.500 đồng/kg. Một số tiểu thương cho biết, nguồn cung gạo từ các tỉnh ĐBSCL hiện nay không dồi dào như trong quý 3.2011 và giá đang có xu hướng tăng nhanh hơn. Trong khi đó, giá lúa khô loại thường giao dịch tại một số địa phương các tỉnh miền Tây tăng lên 7.400 - 7.500 đồng/kg.
|
Theo SGTT