Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Dân nhìn mía… chết
31 | 10 | 2011
“Bằng mọi giá phải tiêu thụ hết mía cho nông dân”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Bùi Bá Bổng nói tại hội nghị bàn giải pháp triển khai thu mua mía vào chiều 28/10 tại Hậu Giang trước tình hình mía dồn ứ, nông dân tiêu thụ không kịp, nhà máy thì than khó.

Tuy nhiên theo ghi nhận của người viết, thực tế việc tiêu thụ mía cho nông dân khu vực ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn, mà nguyên nhân chính xuất phát từ các nhà máy.

Hoạt động trễ, mía dồn ứ

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển, tính đến nay, các tỉnh ĐBSCL còn đến 50.000 héc ta mía nguyên liệu của nông dân chưa thể tiêu thụ được, mà nguyên nhân xuất phát từ việc các nhà máy đường hoạt động trễ gây ra.

Mọi năm, nửa đầu tháng 9, các nhà máy đường khu vực ĐBSCL đã đi vào hoạt động, nhưng năm nay mãi đến cuối tháng 9, thậm chí có một số nhà máy sang tháng 10 mới khởi động, điiều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ tiêu thụ mía cho nông dân, dẫn đến trình trạng ùn ứ như hiện nay.

Lý giải việc chậm trễ triển khai thu mua mía nguyên liệu cho nông dân, đại diện một số nhà máy đường cho rằng do mía còn non, chưa đạt chữ đường.

Tuy nhiên, thông tin từ phía bà con nông dân trồng mía cho biết, hoàn toàn không có chuyện mía non. Ông Nguyên Văn Đua ở ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang khẳng định: “So với mọi năm, vụ mía năm nay chúng tôi xuống giống vẫn bảo đảm về thời gian quy định. Mía đến tuổi thu hoạch vào đầu tháng 9 chứ không phải tới nay đâu? Nhiều nhà máy triển khai ép trễ với lý do mía non là không đúng”. 

Ông Trần Ngọc Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết: “Do tình hình năm nay lũ về sớm, nên ngay những ngày cuối tháng 8 tỉnh Hậu Giang cùng với lãnh đạo huyện Phụng Hiệp và các nhà máy đường họp bàn và yêu cầu các nhà máy đường hoạt động sớm (yêu cầu hoạt hoạt động vào ngày 2/9). Tuy nhiên, mãi đến cuối tháng 9 các nhà máy đường mới chạy (trễ 20 ngày so với kế hoạch), gây khó khăn cho việc tiêu thụ mía cho nông dân”.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang xác nhận: “Hiện tại, tình trạng mía dồn ứ trong dân vẫn chưa thể giải quyết được. Tính đến nay, bà con nông dân chỉ mới thu hoạch được trên dưới 4.500 héc ta mía trên tổng số 13.750 héc ta mía ở huyện Phụng Hiệp”.

Doanh nghiệp than khó

Giải thích lý do đến nay vẫn chưa thể đẩy mạnh thu mua mía nguyên liệu cho nông dân, dẫn đến tình trạng ứ động, đại diện các doanh nghiệp mía đường than phiền gặp nhiều khó khăn do nhà máy quá tải, chi phí vận chuyển tăng cao, chữ đường mía nguyên liệu giảm xuống.

Đại diện nhà máy đường Phụng Hiệp (Casuco) cho biết, hiện nhà máy đang quá tải, không thể nâng công suất chạy lên được nữa.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc nhà máy đường NIVL Ấn Độ (Long An ) cho biết, hiện nay, công suất ép của nhà máy chỉ mới đạt 2.500 tấn/ngày, trong khi đó, khả năng ép có thể lên đến 5.500 tấn/ngày. Có 2 lý do khiến công suất ép chưa đủ, thậm chí là phải dừng liên tục, thứ nhất, nếu mua mía từ Hậu Giang vận chuyển về Long An thì đường quá xa, cước phí sẽ tăng cao (nhưng quy định của Hiệp hội mía đường lại có khung cước cố định), thứ hai là trở ngại về chất lượng mía, vì vận chuyển ở cự ly xa, cho nên khi đến nhà máy, chữ đường sẽ rớt xuống, mà nhà máy mua mía lại theo giá chung của vùng.

“Thực tế chúng tôi cũng đã bàn bạc rất nhiều với các đại lý mua mía ở Hậu Giang, ngày 27/10 chúng tôi cũng mời tất cả các đại lý để bàn cách nhằm tăng cường lấy mía ở Hậu Giang”- ông Thanh cho biết thêm.

Đồng tình với ý kiến của ông Thanh, một đại diện nhà máy đường Hiệp Hòa (Long An) nói: “Ở Long An lũ lụt nên nông dân sẽ không đốn mía, bởi vì đốn mía sẽ chết gốc. Thành thử hiện nay chúng tôi dừng thu mua mía ở Long An, để tập trung thu mua cho vùng mía Phụng Hiệp. Tuy nhiên các chủ ghe không chịu chạy vì vận chuyển đường xa, chi phí cao nên họ đốn ra rồi nằm tại Hậu Giang, dù đợi 3-4 ngày, vẫn có lời hơn là chạy đi. Cái này là một bài toán kinh tế mà mình rất khó ép”.

Tuy nhiên, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông khẳng định: “Trước mắt các nhà máy cứ chạy hết công suất đi, nếu thiếu ghe xuồng nhà nước sẽ hỗ trợ ghe xuồng, thiếu xăng dầu sẽ hỗ trợ xăng, bằng mọi giá phải đưa được cây mía về nhà máy. Trong thời điểm này, không được nhà máy nào nói thừa công suất, tôi đề nghị trong vòng tháng 11 phải giải quyết hết mía cho nông dân”.  

“Về mặt làm ăn lâu dài giữa nhà máy đường và nông dân trồng mía, tôi đề nghị các nhà máy đường phải chạy hết 100% công suất để tiêu thụ hết mía cho nông dân. Đó là trách nhiệm, là đạo lý của nhà máy và là điều kiện để nhà máy và nông dân có thể làm ăn lâu dài với nhau”, ông Bổng nói.

Dân nhìn mía…chết

Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng mía rộng 8.000 m2 của mình, ông Nguyễn Văn Đời ở ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang nói: “Những năm trước, thời điểm này mía được 1.000-1.200 đồng/kg, thương lái thu mua lúc nào cũng có. Còn năm nay, mía chỉ có 800 đồng/kg mà thôi nhưng vẫn không có ai đến mua”.

Trao đổi với người viết, bà con nông dân trồng mía cho biết, 20 năm nay chưa có năm nào lại gặp khó khăn trong tiêu thụ mía như năm nay. Nếu tình trạng ngập lụt, không tiêu thụ mía cứ kéo dài chắc chắn mía sẽ chết hết. Ông Võ Văn Vũ ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết, trong vòng nửa tháng tới mà vẫn không thể tiêu thụ được mía, chắc chắn bà con trồng mía tại Phụng Hiệp sẽ rơi vào cảnh nợ nần vì mía chết.

Ông Đời thì nói: “Năm nay, ruộng mía của tôi chắc chắn sẽ giảm năng suất 20-15%, thậm chí sẽ bị mất trắng nếu vẫn không có ghe vào mua mía”.

Riêng tại huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng, sau khi thu hoạch xong vụ mía năm nay, nhiều bà con nông dân trồng mía chuyển sang trồng lúa bởi giá mía xuống thấp, nông dân rơi vào cảnh lỗ lã.

 



Báo cáo phân tích thị trường