Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, mặc dù đã hoàn thiện dự thảo từ đầu tháng 10 (trước khi vào vụ mía 2011/12) nhưng phải đến tháng 12 tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới ban hành được thông tư do phải tuân theo quy định của Luật tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Ông Hòa cũng thừa nhận lâu nay người dân trồng mía thường phản ứng về cách tính chữ đường, vì từ trước đến nay các nhà máy đường chủ yếu mà mua xô, nông dân bán xô, mía 6-7 chữ đường vẫn được các nhà máy mua về ép.
Theo ông Cao Anh Đương, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển mía đường, hiện cách tính chữ đường đều được các nhà máy đường sử dụng như nhau nhưng trên cùng một ruộng mía có thể kết quả khác nhau vì còn phụ thuộc vào cách lấy mẫu ở phần gốc hay phần ngọn của cây mía.
Ông Đương cho rằng, trước đây khi Trung tâm nghiên cứu và phát triển mía đường bán mía nguyên liệu cho các nhà máy và biết việc kiểm tra chữ đường có vấn đề nhưng không thể làm gì được vì muốn kiểm tra lại cách tính chữ đường thì phải nhờ Sở Khoa học và Công nghệ địa phương đến kiểm tra mất nhiều thời gian.
“Việc kiểm tra chữ đường thường được quyết định bởi các lấy mẫu và cho dù chúng tôi là nhà khoa học vẫn biết kết quả kiểm tra chữ đường có vấn đề nhưng cũng đành chịu, nên với người nông dân còn khó khăn hơn”, ông Đương nói.
Ông Đương biết rằng, 48 giờ sau khi chặt mía, chữ đường của mía nguyên liệu bắt đầu giảm, mức giảm bình quân 1 chữ đường sau 24 tiếp theo.
Chính điều này gây ra một tổn thất rất lớn cho người trồng mía, đặc biệt là tại các tỉnh miền Tây khi thời gian vận chuyển từ ruộng mía đến nhà máy mất gần một tuần, nên người dân sẽ thắc mắc tại sao trên một ruộng mía mà chữ đường lại khác nhau như báo chí phản ánh.
Một nguyên nhân khác làm mía giảm chữ đường là do sâu đục thân gây hại, đơn cử, vụ mía đường 2010/11, chữ đường bình quân toàn vụ của tỉnh Tây Ninh nhìn chung thấp hơn vụ 2009/10 khoảng 1 chữ đường.
Hiện tại các nhà máy đường có hai cách lấy mẫu để kiểm tra chữ đường. Thứ nhất là lấy ngẫu nhiên 6 cây mía sau đó ép lấy nước và đo chữ đường bằng máy. Theo ông Đương cách này phụ thuộc nhiều vào người lấy mẫu vì có thể chọn những cây mía non để kiểm tra sẽ cho chữ đường thấp hơn so với chọn trúng cây mía già. Tuy nhiên, nếu nông dân, thương lái nào tinh ý, sắp xếp những cây mía già ở phía bên ngoài, mía non ở bên trong, lúc này, chữ đường của xe mía nguyên liệu đó sẽ cao hơn.
Cách thứ hai là khoan, phía nhà máy cho máy khoan lấy mẫu bằng cách khoan ở giữa xe chở mía, rồi ép lấy nước để đo chữ đường. Cách này, nếu nông dân, thương lái xếp những gốc mía, cây mía già ở giữa xe thì chữ đường sẽ cao hơn so với cách xếp ngẫu nhiên mía nguyên liệu từ ruộng mía lên xe.
|
Theo TBKTSG