Sau một thời gian sụt giảm, hiện giá mía tại vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp, Hậu Giang - vùng mía nguyên liệu lớn của ĐBSCL- đã ấm dần trở lại. Tuy nhiên, vấn đề làm bà con nông dân lẫn thương lái mua mía băn khoăn là cách tính chữ đường (CCS) của các nhà máy còn mập mờ, không rõ ràng.
Một số bà con nông dân trồng mía và thương lái mà người viết tiếp xúc, tại huyện Phụng Hiệp gần như ai cũng nghi ngờ về cách tính chữ đường của các nhà máy mua mía nguyên liệu cho bà con nông dân.
Có gian lận cách tính chữ đường?
Ông Nguyễn Văn Hùng, thương lái múa mía tại ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp nói: “Có ai biết cách mấy cha đó (ám chỉ cách đo chữ đường của nhà máy) tính chữ đường ra sao đâu? Chúng tôi đem mía nguyên liệu đến nhà máy cân, muốn biết ghe mía của mình đạt bao nhiêu chữ đường chỉ biết nhìn bảng công bố hiển thị chữ đường do nhà máy lắp đặt thôi. Ai biết họ có ăn gian hay không, tôi thấy nếu có 100 ghe đem mía nguyên liệu đến nhà máy cân đã có 60 thằng chết rồi (60 ghe không đạt chữ đường)”.
Theo quy định của các nhà máy đường, chữ đường là căn cứ để nhà máy thu mua mía nguyên liệu với giá cao hay thấp. Chữ đường càng cao thì mía nguyên liệu càng có giá và ngược lại.
Ông Nguyên Văn Đua ở ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết, cách đây hơn một tuần, anh mua một đám mía trồng giống ROC 11 ở ấp Phú Tân B1, xã Tân Phước Hưng. Ngày đầu tiên anh chặt 3 ghe mía, 1 ghe anh đem bán cho nhà máy đường Phụng Hiệp với kết quả đo chữ đường của nhà máy là 9,8 CCS; 2 ghe còn lại anh bán cho nhà máy đường Vị Thanh với kết quả đo chữ đường lần lượt là 8,1 CCS và 7,9 CCS.
“Tôi không biết họ (nhà máy đường) tính toán như thế nào mà cùng một đám mía lại cho những kết quả đo chữ đường lại chênh lệch nhau quá xa như vậy?” - ông Đua bức xúc.
Bà con nông dân trồng mía cho biết, gần đây lãnh đạo các nhà máy đường trả lời trên một số báo đài rằng năm nay chữ đường của vùng mía Phụng Hiệp không đạt cao, chỉ từ 6 - 7 CCS là do nông dân thu hoạch mía non chạy lũ.
Mía đạt 10 chữ đường xem như là mía tiêu chuẩn và có nghĩa, 10 ký mía cho ra 1 ký đường. |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, hoàn toàn không có chuyện nông dân bán mía non chạy lũ. Tính đến thời điểm này, bà con nông dân chỉ mới thu hoạch được 3.800 héc ta mía trên tổng số gần 13.750 héc ta mía nguyên liệu ở Phụng Hiệp.
Ông Võ Văn Vũ ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp khẳng định: “Năm nay các nhà máy đường hoạt động trễ hơn mọi năm đến nữa tháng, vì vậy nói mía nguyên liệu năm nay không đạt chữ đường do thu hoạch mía còn non là không đúng”.
Trao đổi với chúng tôi về việc nông dân băn khoăn không biết các nhà máy đường có gian lận trong cách tính chữ đường hay không? Ông Đồng cho biết: “Ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh kiểm tra cách tính chữ đường của các nhà máy. Tuy nhiên, việc xác định các nhà máy đường có gian lận hay không rất là khó”.
Giá mía "ấm" lên nhưng lời chẳng bao nhiêu
Nếu như ở đầu vụ thu hoạch giá mía được thương lái trực tiếp mua tại ruộng của bà con với giá chỉ 850-950 đồng/kg, thì hiện giá mía đã tăng lên từ 1.000 -1.100 đồng/kg (tùy giống mía). Tuy nhiên, so với mức giá kỷ lục trong vụ mía năm rồi, giá mía hiện vẫn thấp hơn 200-250 đồng/kg.
Cụ thể, đối với giống mía ROC 16 hiện được thương lái mua với giá 1.050-1.100 đồng/kg; mía ROC 11 và ROC 13 hiện có giá từ 1.000 -1.050 đồng/kg; các giống mía khác có giá dao động quanh mức 1.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, sở dĩ giá mía ROC 16 cao hơn các loại mía khác do chữ đường cao hơn. Tuy nhiên, năng suất lại không bằng các loại mía khác, chỉ 16-17 tấn/công (công 1.000 m2) là cao nhất.
Mặc dù giá mía đã ấm dần trở lại nhưng theo nhận định của bà con trồng mía lẫn cánh thương lái cho biết, năm nay giá mía rất khó có thể tăng cao như năm rồi bởi vì năm nay các nhà máy đường đã phân chia vùng nguyên liệu thu mua với nhau, không có cạnh tranh về nguyên liệu.
Theo tính toán của ông Vũ, với giá bán như hiện tại, mỗi héc ta đất trồng mía sau khi trừ đi các khoản chi phí về mía giống, nhân công lao động, phân thuốc các thứ bà con chỉ còn lãi từ 20 - 25 triệu đồng/héc ta.
Theo Trung Chánh
TBKTSG