Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, một phần nguyên nhân khiến lượng đường tồn kho nhiều là do tiêu thụ đường trong nước giảm.
Cụ thể, từ 15-8 đến 15-9 cả nước tiêu thu 39.700 tấn, giảm hơn 6.000 tấn, lượng đường tồn kho là 112.800 tấn, tăng hơn 28.600 tấn so với cùng thời điểm này của năm 2010.
Ngoài ra Bộ Công Thương cho phép nhận khẩu thêm hơn 100.000 tấn trong tổng hạn ngạch 250.000 tấn của năm nay nên tạo áp lực khiến giá đường giảm liên tục.
Ông Hải cũng cho rằng, hiện giá đường trên thị trường thế giới đang giảm nên nhiều doanh nghiệp có hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ nhập khẩu đường, vì thế, có thể trong thời gian tới giá đường trong nước sẽ còn khả năng giảm hơn nữa.
“Thời gian tới, ngành mía đường bắt đầu vào vụ ép mía mới và nếu giá đường còn tiếp tục giảm thì nhiều nhà máy sẽ hạ giá mua mía nguyên liệu từ người nông dân là điều khó tránh khỏi”, ông Hải nói.
Việc giá đường giảm vào thời điểm hiện tại hầu như làm phá sản dự báo mà Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối từng cảnh báo tại một cuộc họp với các nhà máy đường ngày 15-7 rằng, vào thời điểm bắt đầu vụ đường mới ( thường bắt đầu từ tháng 10 hằng năm), lượng đường dự trữ tại các nhà máy hầu như không còn khiến lượng đường luân chuyển cuối vụ gần như không có nên một số doanh nghiệp lợi dụng thời gian này để đẩy giá đường lên.
Tuy nhiên, thực tế lượng đường còn ở trong kho các nhà máy ở mức gần 100.000 tấn nên giá đường không tăng lên như dự báo mà còn có thể tiếp tục giảm thêm khi gần 40 nhà máy đồng loạt vào vụ ép mía mới từ sau tháng 10.
Ông Hải cũng thừa nhận, việc dự đoán giá đường của Hiệp hội mía đường Việt Nam để có những khuyến cáo cho các nhà máy, doanh nghiệp, người tiêu dùng là rất khó.
“Hiện trong tay hiệp hội không có những số liệu về tình hình xuất khẩu đường qua Trung Quốc, số lượng đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới Tây Nam hay thời điểm các doanh nghiệp có hạn ngạch nhập đường, nên những thông tin hiệp hội đưa ra chỉ có giá trị tham khảo”, ông Hải nói.
Theo TBKTSG