Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Nông dân phá mía trồng lúa
26 | 10 | 2011
“Hơn 30 năm gắn bó với cây mía, từ thời ông già tôi, giờ bỏ để chuyển sang làm lúa thú thật tôi cũng tiếc lắm nhưng biết làm gì hơn, hai năm nay, năm nào cũng lỗ hết buộc lòng chúng tôi phải chuyển thôi”.

Anh  Nguyễn Út Bột ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng cho biết như vậy trước thực trạng nông dân huyện Mỹ Tú quyết định từ bỏ cây mía chuyển sang làm lúa. Được sự hướng dẫn của một cô bạn quê ở Sóc Trăng, sau gần một giờ đồng hồ xuất phát từ thành phố Sóc Trăng, chúng tôi cũng tìm đến được vùng trồng mía nguyên liệu của bà con nông dân ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng - nơi bà con đang đua nhau chuyển đất trồng mía sang làm lúa.

Đua nhau làm lúa

Sau hai năm gánh chịu cảnh lỗ lã do giá mía nguyên liệu liên tục sụt giảm hoặc tăng không đáng kể, trong khi chi phí đầu vào các thứ thì tăng vùn vụt, anh Nguyễn Út Bột quyết định chuyển toàn bộ 3 héc ta đất chuyên canh mía đã hơn 30 năm nay sang trồng lúa, một quyết định không hề dễ dàng cho đất trồng mía truyền thống sang trồng lúa.

Dẫn chúng tôi đi tham quan ruộng mía đang được anh thuê máy Kobelco sang bằng ra để chuẩn bị gieo sạ lúa. Anh Bột nói: “Lỗ hoài sao chịu nổi hả anh? Chuyển sang trồng lúa, mỗi công thu nhập 500.000 đồng/vụ cũng được, còn hơn trồng mía chẳng thu được đồng nào, lại phải chịu vất vả nữa”.

Năm ngoái, sau nhiều năm trầy trật với cây mía, ông Sáu Nhịn ở ấp Mỹ Ninh, xã Mỹ Bình, huyện Mỹ Tú cũng đã quyết định chuyển toàn bộ 2 héc ta đất chuyên canh mía sang trồng lúa. Nguyên nhân khiến ông Sáu Nhịn phá mía chuyển sang làm lúa cũng không có gì ngoài giá mía sụt giảm, thu nhập của gia đình ngày càng đi xuống.

“Trong khi mía giống lên đến 2.000-2.200 đồng/kg, thì giá mía nguyên liệu chỉ có 700-800 đồng/kg, chẳng đủ bù vào chi phí cây giống, phân thuốc, nhân công nữa chứ nói chi đến lãi. Giá cả như thế, không chuyển mới là chuyện lạ”- ông Sáu Nhịn nói.

Đang thu hoạch 1 héc ta mía, anh Nguyễn Văn Truyền, ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú cho biết, thu hoạch xong vụ mía này anh cũng chuyển toàn bộ sang làm lúa.

Nói về cây mía, bà con nông dân tại huyện Mỹ Tú ai cũng ngao ngán bởi nhiều năm nay thu nhập từ cây mía chẳng đủ đắp đổi chi phí đầu tư chứ chưa nói tới lời lãi.

Trao đổi với người viết xung quanh vấn đề nông dân huyện Mỹ Tú bỏ mía chuyển sang làm lúa, ông Trần Văn Tâm, quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết: “Việc nông dân huyện bỏ mía chuyển sang làm lúa tôi có biết, nhưng quan điểm của ngành nông nghiệp huyện là không khuyến khích, cũng không ngăn cấm. Nông dân thấy làm lúa có lãi hơn trồng mía thì cứ việc chuyển”.

Dù chưa có con số thống kê chính thức về diện tích mía đã được nông dân chuyển sang làm lúa nhưng theo ông Tâm con số này sẽ không ít. Đặc biệt là trong vụ mía năm nay diện tích đất chuyển sang làm lúa sẽ tăng cao - khi giá mía nguyên liệu ở Mỹ Tú chỉ còn 700 - 800 đồng/kg trong khi giá lúa thì cao.

Làm mía cầm chắc lỗ

Nguyên nhân chính khiến bà con nông dân trồng mía tại huyện Mỹ Tú quyết định chuyển sang làm lúa là do lợi nhuận mang lại từ việc trồng mía ngày càng giảm sút. Anh Nguyễn Út Bột cho biết, sau 10 tháng trồng và chăm sóc, anh vừa thu hoạch xong 3 héc ta mía của vụ mía 2010-2011 với giá bán cho thương lái chỉ 700 đồng/kg.

Theo tính toán của anh, sau khi trừ đi chi phí thuê nhân công 120.000 đồng/tấn (gồm đốn mía và vận chuyển ra ngoài), mía giống 2.000 đồng/kg (mỗi công tốn 1 tấn mía giống), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện bơm tưới và các loại chi phí khác…, anh thu về chỉ 15 triệu đồng.

“Số tiền này chưa đủ bù vào tiền mua mía giống sản xuất cho vụ mía mới nữa chứ nói chi đến cải thiện cuộc sống gia đình, vì vậy năm nay tôi chuyển tất cả sang làm lúa. Ai mà tiếp tục làm mía chẳng khác nào đi tìm con đường chết” - anh Út Bột cho biết thêm.

Anh Truyền thì cho biết: “Với giá lúa ổn định mức cao như hiện nay, tôi dám cam đoan mỗi công đất sản xuất lúa sau khi trừ đi chi phí phân thuốc, nhân công… tệ lắm bà con nông dân chúng tôi cũng còn lãi 1 triệu đồng. Ở đây mỗi năm làm được 3 vụ (chỉ mất 9 tháng), tương đương với 3 triệu đồng/công/9 tháng, cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận thấp lè tè thu được từ cây mía”.

Theo tính toán của ông Sáu Nhịn, sau hơn 10 tháng trồng, với 2 héc ta đất canh tác mía của vụ mía năm ngoái, ông thu lãi chỉ có 10 triệu đồng (đã trừ chi phí). Để sản xuất vụ mía năm nay, ông đã bỏ ra hàng chục triệu đồng tiền túi nhưng khi thu hoạch cũng chỉ lời được trên dưới 10 triệu đồng. Vì vậy mà năm nay ông quyết định “đoạn tuyệt” với cây mía - loại cây trồng gắn bó với cuộc đời ông hơn 30 năm nay.

Ông Trần Văn Tâm, quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết, đứng trước thực trạng nông dân ồ ạt chuyển từ đất mía sang làm lúa, ngày 25/10, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ có buổi làm việc với các nhà máy đường ở Sóc Trăng để bàn về hướng giải quyết. Toàn huyện Mỹ Tú hiện có 3.580 héc ta đất chuyên canh mía.

  Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường