Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điêu đứng vì tùy tiện trồng hồ tiêu
06 | 01 | 2015
Cán bộ, kỹ sư của Sở NN&PTNT vẫn chưa rõ lý do. Nông dân ở đây (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cũng đã nhờ kỹ sư chuyên ngành, những người dân có kinh nghiệm trồng hồ tiêu lâu năm ở Bình Phước về chữa trị, song tiêu vẫn cứ chết.

Ở quê tôi, có khu rẫy đất đỏ với diện tích hơn 1000ha thuộc địa bàn 3 xã: Đăk Drông, Nam Dong và Đăk Uyn (huyện Cư Jút, tỉnh Đắc Nông), từ năm 2005 trở về trước là vùng chuyên canh các loại cây họ đậu. Bình quân mỗi héc-ta đậu phộng (lạc), đậu nành, đậu xanh… trồng hai vụ cho thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm (giá trị tiền bấy giờ).

Bắt đầu từ năm 2006, một số hộ đã đưa cây hồ tiêu vào trồng. Khi giá hồ tiêu hạt rất cao, xấp xỉ 100.000 đồng/kg, thì hầu hết các hộ có đất ở khu vực này đã ào ạt bỏ đậu tập trung trồng giống hồ tiêu cao sản. Mặc dù vốn đầu tư ban đầu cho hồ tiêu rất lớn (vì phải mua trụ gỗ, giống tiêu, công làm đất, cuốc hố, công trồng, công chăm sóc, tiền mua phân bón, thuốc sâu, thuốc dưỡng… đến khi thu hoạch vụ đầu cũng mất từ 400-600 triệu đồng/ha), song người dân vẫn liều mình vay tiền để trồng. Vì thế mà rẫy ở dọc con đường liên xã Đăk Drông-Đăk Uyn chỉ hai năm sau đã có 80% diện tích được trồng hồ tiêu. Thế nhưng đến năm 2008, nhiều gia đình chưa thu được hạt hồ tiêu nào thì tự nhiên tiêu ở đây và cả khu vực Tây Nguyên mắc bệnh chết. Cán bộ, kỹ sư của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa rõ lý do. Nông dân ở đây cũng đã nhờ kỹ sư chuyên ngành, những người dân có kinh nghiệm trồng hồ tiêu lâu năm ở tỉnh Bình Phước về chữa trị, song tiêu vẫn cứ chết. Năm 2009, nông dân tiếp tục phá hết tiêu cũ để trồng lại giống mới và đầu tư chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dưỡng cây thường xuyên hơn, nhưng hai năm sau, khi tiêu đang xanh mơn mởn chưa cho trái bói thì tự nhiên lại bị chết dần với triệu chứng như vườn tiêu cũ. Có nhiều hộ đã trồng đi trồng lại 4-5 đợt song tiêu vẫn không sống được quá hai năm.

Từ năm 2011 đến nay, giá sản phẩm hồ tiêu thường dao động từ 160.000 đến 190.000 đồng/kg. Nhìn thấy lợi nhuận lớn nên đại đa số các hộ nông dân ở huyện Cư Jut quê tôi cứ lao vào trồng hồ tiêu dù loại cây này vẫn bị chết mà không tìm ra nguyên nhân. Khá nhiều hộ nông dân đã mất nghiệp vì trồng hồ tiêu, phải bán cả nhà cửa, đất đai để trả nợ tiền vốn.

Ham lợi theo kiểu phi khoa học, bất chấp nguy cơ thất bại do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp và thiếu kinh nghiệm hiểu biết về cây hồ tiêu như trên nên nhiều gia đình quê tôi đã gánh hậu quả vô cùng nghiêm trọng, song nhiều bà con vẫn chưa tỉnh ngộ. Đề nghị chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để giúp nông dân huyện Cư Jut chuyển đổi cây trồng cho hợp lý, không nên tùy tiện trồng hồ tiêu trong khi chưa thực sự hiểu biết về kỹ thuật canh tác loại cây này.


Phạm Hoàng Ninh

Báo Quân đội Nhân dân



Báo cáo phân tích thị trường