Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam, ngành gỗ xuất khẩu đang có lợi thế với khoảng 1.200 doanh nghiệp tham gia chế biến và kinh doanh, trong đó có trên 300 doanh nghiệp đã có hàng xuất khẩu. Sản phẩm gỗ Việt hiện đã có mặt tại trên 120 nước và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu vào 3 thị trường trọng điểm Mỹ, EU, Nhật Bản. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đối với mặt hàng này vốn đang tăng cao sẽ càng tăng cao hơn…Đây chính là điều kiện để các doanh nghiệp phát triển ngành hàng giá trị này và khai thác triệt để hơn nhu ầu đồ gỗ của thế giới.
Trung Quốc - hiện vẫn là nhà xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 11,9% thị phần, tiếp đến là Malaixia, Inđônêsia, Thái Lan. Và Việt Nam đang trở thành 1 trong 4 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được thị trường thế giới đánh giá là đối thủ mới nổi đầy tiềm năng, nhờ chi phí sản xuất rẻ, nhân lực dồi dào.
Yếu tố quan trọng làm nên lợi thế của ngành chế biến gỗ Việt Nam, theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đó là trình độ lành nghề, kỹ thuật tinh xảo của lực lượng lao động, đặc biệt là các nghệ nhân. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có 3 cụm công nghiệp chế biến gỗ là cụm thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương; cụm Bình Định – Tây Nguyên và cụm Hà Nội - Bắc Ninh. Riêng Hà Nội - Bắc Ninh có thế mạnh vượt trội về sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ. Đây chính là những lợi thế của ngành chế biến gỗ sánh vai với các thành viên WTO.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, ngành chế biến, kinh doanh và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam còn không ít nhược điểm. Mặc dù năm 2006, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 2 tỉ USD, nhưng chi phí nhập khẩu gỗ nguyên liệu, phụ kiện sử dụng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ đã lên tới trên 1 tỷ USD. Có tới 80% nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi nguồn gỗ trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Đây chính là yếu điểm lớn nhất của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, cả nước có trên 300 doanh nghiệp xuất khẩu thì cũng có chừng đó đầu mối nhập nguyên liệu, do không tập trung nên số lượng các đơn hàng thường nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thời gian giao hàng của đối tác, tốn nhiều công sức, tiền bạc…
Hiện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang tập trung tăng cường vai trò cầu nối nhập khẩu nguyên liệu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; chủ động quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm gỗ Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với khả năng bị kiện chống bán phá giá trong tương lai gần; đồng thời xúc tiến xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường, nguyên liệu, công nghệ, phương hướng xuất nhập khẩu của các quốc gia cho các doanh nghiệpĐể hướng tới mục tiêu 5,5 tỷ USD vào năm 2010, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực trong nước cần phải liên kết mạnh, tiến tới hình thành sản xuất theo chuỗi, đảm bảo mỗi doanh nghiệp là một “mắt xích” quan trọng trong một dây chuyền sản xuất thành phẩm hoàn chỉnh