Theo báo cáo triển vọng thực phẩm của FAO, triển vọng không mấy tích cực, đặc biệt là đối với các loại ngũ cốc thiết yếu, sẽ đẩy giá trị nhập khẩu thực phẩm toàn cầu xuống mức thấp nhất trong 6 năm.
Sản lượng lúa mỳ và gạo toàn cầu trong năm 2016 được dự đoán sẽ đạt mức cao kỷ lục, cùng với sản xuất ngô phục hồi, đang giúp duy trì các kho dự trữ dồi dào và giữ giá ở mức thấp. FAO cho rằng sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2016 sẽ tăng 1,5% so với năm 2015, đạt mức cao kỷ lục 2,569 tỷ tấn và đủ để tăng cường các kho dự trữ hiện tại.
Giá trị nhập khẩu thực phẩm toàn cầu tính bằng đồng USD trong năm 2016 được dự đoán giảm 1,1% xuống còn 1.168 tỷ USD do giá trị nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi và thực phẩm làm từ ngũ cốc giảm và mức tăng giá trị nhập khẩu thủy sản, trái cây và rau, dầu và đặc biệt là đường, không bù đắp được sự suy giảm trên. Tuy nhiên, FAO cho rằng sự suy giảm này sẽ diễn ra chậm hơn tại những nền kinh tế dễ tổn thương hơn, khi giá trị đồng tiền của các quốc gia này đang giảm giá.
FAO nâng dự báo sản lượng lúa mỳ toàn cầu lên 742,4 triệu tấn, nhờ sản lượng tăng tại Ấn Độ, Mỹ và Nga, bù đắp được sự suy giảm sản lượng tại EU – khu vực xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Tổng tiêu dùng lúa mỳ toàn cầu được dự đoán tăng lên mức 730,5 triệu tấn, nhờ tăng mạnh tiêu dùng lúa mỳ chất lượng thấp làm TACN.
Sản lượng gạo toàn cầu được dự đoán tăng lần đầu tiên trong vòng 3 năm, với mức tăng 1,3% lên mức cao kỷ lục 497,8 triệu tấn, nhờ mùa mưa tốt trên toàn câu Á và sản lượng gạo tăng mạnh tại châu Phi. Sản lượng ngũ cốc thô được dự báo tăng 1,8% trong năm 2016, chủ yếu nhờ vụ thu hoạch kỷ lục tại Mỹ, Argentina, và Ấn Độ, FAO cho biết.
Giá ngũ cốc đang trong khuynh hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Giá lúa mỳ và ngô trên thị trường tương lai Chicago giảm hơn 16% kể từ đầu năm đến nay, trong khi giá gạo chào bán hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2008.
Sản lượng sắn, loại thực phẩm chính tại châu Phi với mức tiêu thụ trên đầu người đạt trên 100 kg/người/năm, được dự đoán tăng 2,6% trong năm 2016 lên 288 triệu tấn. Tuy nhiên, sự chyển dịch của Trung Quốc nhằm giảm kho dự trữ ngô cho công nghiệp nội địa và TACN đã làm giảm giá và các luồng thương mại sắn trên thế giới.
Đậu tương và các loại cây trồng có dầu khác có thể đạt mức cao kỷ lục trong năm 2016, nhờ năng suất cao kỷ lục tại Mỹ, mặc dù nhu cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn.
Chỉ số giá thực phẩm của FAO, công bố hôm 6/10, đạt trung bình 170,9 điểm trong tháng 9, tăng 2,9% so với tháng 8 và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này tăng chủ yếu do chỉ số giá sữa của FAO tăng 13,8%, một phần nhờ giá bơ tăng vọt. Giá bơ tăng đang mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà xuất khẩu EU, trong khi sản lượng sữa giảm.
Giá dầu cọ cũng tăng, nhờ dự trữ đang ở mức thấp tại cả các nước xuất khẩu và nhập khẩu. Tình hình tương tự tại thị trường dầu đậu tương và dầu hạt cải đã đẩy chỉ số giá dầu thực vật tăng 2,9% trong tháng 9.
Trong khi đó, chỉ số giá ngũ cốc của FAO giảm 1,9% trong tháng 9 so với tháng 8 và thấp hơn 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số giá thực phẩm của FAO là bình quân gia quyển giá thị trường quốc tế của 5 nhóm hàng hóa chính. Chỉ số giá này hiện đang ở mức cao nhất từ tháng 3/2015. Chỉ số giá ngũ cốc hiện đang ở mức thấp nhất trong 1 thập kỷ nếu tính thêm cả chỉ số giảm phát.
Theo World Grain