Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Grai, hiện nay, hàng trăm héc-ta điều trên địa bàn huyện đang bị sâu bệnh hại. Trong đó, bọ xít muỗi gây hại khoảng 994 ha (nhiễm nhẹ 926 ha, nhiễm trung bình 68 ha), sâu đục rộp lá với diện tích hơn 847 ha (nhiễm nhẹ 759 ha, nhiễm trung bình 88 ha) và sâu đục thân gây hại 655 ha (nhiễm nhẹ 605 ha, nhiễm trung bình 50 ha). Diện tích điều bị nhiễm bệnh nằm rải rác trên tất cả các xã phía Tây huyện như: Ia Tô, Ia Chía, Ia O, Ia Khai, Ia Krai.
Vườn điều của người dân xác xơ vì sâu bệnh. Ảnh: L.N
Ông Ksor Tap – Trưởng thôn Doch Kuế (xã Ia Krai), cho biết, gia đình ông trồng 1 ha điều. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm cây điều ra lá non, chuẩn bị ra hoa đậu quả thì bọ xít muỗi lại xuất hiện để hút nhựa ở lá và hoa. Ngoài ra, còn xuất hiện rất nhiều sâu đục thân làm cây bị chết cành, chảy nhựa dẫn đến giảm năng suất. “Cả làng Doch Kuế có 55,5 ha điều, tuy nhiên, người dân ít quan tâm đến sâu bệnh hại. Thông thường, mỗi năm bà con chỉ làm cỏ điều 1 lần khi cây ra quả để thuận lợi trong thu hoạch thôi”-ông Tap cho hay.
Đưa chúng tôi đi xem một số vườn điều bị sâu bệnh, chị Đặng Thị Sen-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Krai, nói: Điều rất phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương và trình độ canh tác của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có 551 ha điều. Gần đây, khi cây ra lá non thì bọ xít muỗi xuất hiện gây hại. Phòng trừ sâu bệnh trên cây điều rất khó bởi người dân thường không quan tâm đến việc chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cành cho cây. Do đó, khi điều bị bệnh thường không được phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời.
Bọ xít muỗi xuất hiện khi cây điều bắt đầu ra lá non và chuẩn bị ra hoa. Chúng chích hút nhựa đọt non, lá non và hoa cây điều. Khi đọt non nhú ra mà bọ xít muỗi chích hút nhựa sẽ làm lá non bị xoăn lại, không thể phát triển, hoa bị thối nên không đậu quả… Trước thực tế trên, cơ quan chuyên môn của huyện đã tích cực khuyến cáo và hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh hại. Ông Đỗ Xuân Hiền – Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện, cho biết: Hiện các đối tượng sâu bệnh hại trên cây điều diễn biến ở mức độ bình thường, diện tích bị nhiễm chủ yếu là nhiễm nhẹ.
Hiện tổng diện tích điều trên địa bàn huyện Ia Grai là hơn 5.539 ha (diện tích kinh doanh 5.149 ha, kiến thiết cơ bản 134 ha và trồng mới năm 2017 hơn 256 ha). Cây điều được trồng chủ yếu ở các xã phía Tây huyện như: Ia Tô 1.323 ha, Ia Chía 796 ha, Ia O 1.211, Ia Krai 524 ha, Ia Khai 702 ha và xã Ia Pếch 289 ha.
Về cơ bản, diện tích nhiễm nhẹ chưa ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và ra hoa, đậu quả của cây điều. Tuy nhiên, nếu người dân không tiến hành các biện pháp phòng-chống, tiêu diệt sâu bệnh mà để sâu bệnh phát triển thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cây. Trước mắt, đối với diện tích điều bị nhiễm bệnh bọ xít muỗi và thán thư gây hại nhiễm nhẹ thì áp dụng các biện pháp bón phân NPK cân đối, không bón quá nhiều phân đạm, tăng phân kali vào thời kỳ cây ra đọt non và quả non; sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh kết hợp chế phẩm sinh học để phòng trừ nấm bệnh trong đất; thường xuyên vệ sinh làm sạch cỏ dại, tỉa cành, tạo tán để vườn điều thông thoáng, thu gom cành, lá, hoa, quả bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế lây lan; bảo vệ các loài thiên địch của bọ xít muỗi như kiến đen, kiến vàng, bọ ngựa và nhện lớn bắt muỗi… Ngoài ra, người dân cần thăm vườn thường xuyên để kiểm tra mật độ bọ xít muỗi, bệnh thán thư vào thời kỳ cây điều ra đọt non, lá non, ra hoa đậu quả để phát hiện và phòng trừ kịp thời; thu gom lá điều khô và cỏ dại đốt hun khói vào buổi chiều tối để xua đuổi bọ xít muỗi đến gây hại.
Cây điều rất dễ trồng, đa số người dân trồng theo phương pháp quảng canh, trồng bằng giống cây thực sinh, không bón phân, không chăm sóc. Với giá như hiện nay (khoảng 40-50 ngàn đồng/kg) thì sau khi trừ chi phí, người nông dân cũng thu lãi trên 30 triệu đồng/ha. Do đó, người dân cần tập trung phòng bệnh cho cây điều để tránh tình trạng lây lan sâu bệnh hại, đảm bảo năng suất và có nguồn thu nhập ổn định.