Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ trưởng 'bắt mạch' nút thắt của ngành điều ở ba khâu
10 | 10 | 2017
Sự phát triển“mất cân đối” của ngành hàng điều được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, đó là: Hệ thống chế biến đang phát triển “nóng”, trong khi diện tích vùng nguyên liệu điều có xu hướng giảm; tỷ lệ sản phẩm điều được chế biến sâu rất nhỏ bé, chủ yếu vẫn là nhân điều thô, giá trị gia tăng thấp.

13-47-52_dieu1

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra tại Hà Nội sáng 30/9

Vực dậy vị thế cây điều

Theo chuyên gia phân tích thị trường Lê Văn Liền, ngành điều Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào điều thô nhập khẩu từ các nước Tây Phi và Campuchia. Năm 2016, tỷ lệ điều thô nhập khẩu chiếm 60%. Trong khi đó, diện tích điều thô liên tục giảm (từ khoảng 440.000ha năm 2007 xuống còn 301.000ha năm 2017), sản lượng điều cũng giảm tương ứng khoảng 100.000 tấn.

Trong bối cảnh “cầu vượt cung” của ngành hàng điều trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn trong việc giành giật vùng nguyên liệu thô để đáp ứng nhu cầu chế biến điều trong nước.

 Ngoài việc giảm quy mô vùng nguyên liệu, hoạt động sản xuất điều đang đối mặt với bài toán khó, đó là diện tích vườn điều già cỗi (trên 20 năm) cần tái canh chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 30%). Phần lớn vùng trồng điều chưa có hệ thống tưới, tiêu chủ động, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước tự nhiên.

Không nói đâu xa, ngay tại Bình Phước, thủ phủ trồng điều lớn nhất Việt Nam (với tổng diện tích khoảng 180.000 ha), thì 80% diện tích điều không xác định được nguồn gốc xuất xứ của giống.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Mục tiêu đến năm 2020, nước ta cần tái canh và ghép cải tạo 60.000ha điều. Tuy nhiên, hầu hết vùng trồng điều là nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn. Trong 3 - 4 năm chờ cây mới phát triển, họ không thể tự chủ kinh tế để trang trải sinh hoạt tối thiểu. Do đó, cần phải có chương trình hỗ trợ tái canh cây điều, giống như chúng ta đã làm với cây cà phê thì mới đảm bảo thành công được”.

Lời giải đã có đáp án

Hiện nay, Tập đoàn PAN đang triển khai một dự án “khủng” về phát triển vùng điều nguyên liệu tại Bình Phước với quy mô khoảng 10.000ha theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, khẳng định: “Chúng tôi đã giải được bài toán kinh tế để thuyết phục nông dân Bình Phước tái canh cây điều”. Cụ thể, ở Bình Phước, với việc tăng năng suất điều trung bình từ 1,4 tấn/ha lên 2,4 tấn/ha (nếu trồng mới các giống điều ghép: PN1, AB0508, AB29 có chất lượng tốt và cho năng suất 2 - 3 tấn/ha) thì với 180.000ha mỗi năm sản lượng điều sẽ tăng được khoảng 18.000 tấn. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nút thắt của ngành điều hiện nay nằm ở cả 3 khâu: tổ chức sản xuất, chế biến và mở rộng hợp tác quốc tế phát triển thị trường. Trong đó, khâu sản xuất cần đáng lưu tâm nhất. Bởi, nguyên liệu là yếu tố đầu vào quan trọng số 1 để một ngành hàng phát triển bền vững. Nếu đầu không xuôi thì đuôi chẳng lọt.

Nếu bỏ qua các yếu tố tăng giảm về giá theo vụ mùa (khoảng 35.000 đồng/kg) thì hàng năm điều Bình Phước sẽ tăng thêm được 277 triệu USD, xấp xỉ 10% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam năm 2016".

Chương trình tái canh sẽ được thực hiện theo phương thức “vết dầu loang”. PAN hợp tác cùng nông dân với các nguyên tắc: đảm bảo tôn trọng quyền sử dụng đất của nông dân; nâng cao năng suất, thu nhập của nông dân; hỗ trợ vốn, công nghệ, giống, kỹ thuật trồng cây và bao tiêu đầu ra sản phẩm của nông dân. Để làm được điều đó, mắt xích trung gian quan trọng không thể thiếu đó là HTX – cơ quan giám sát, hỗ trợ nông dân trong quá trình vận hành mô hình.

Còn theo ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước: Trước đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã từng đề xuất thu phí 1 USD cho mỗi tấn nhân điều xuất khẩu thành lập quỹ tái cơ cấu phát triển ngành điều. Quỹ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ nông dân cải tạo vườn điều ở các vùng quy hoạch trọng điểm của Bộ NN-PTNT và các địa phương; thực hiện dự án kích cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế (giống như ngành hàng cà phê đã làm). Tuy nhiên, đến nay quan điểm này chưa thực sự được Chính phủ lưu tâm.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas: Hiện nay, sản phẩm điều chế biến sâu xuất khẩu của chúng ta mới chỉ đạt 15 - 20% và gần như quá nửa trong số đó là gia công cho các nước khác, không có thương hiệu trên thị trường. Do đó, nếu không muốn tụt hậu, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến sâu thì hạt điều Việt mới có thương hiệu trên các kệ hàng siêu thị nước ngoài.

Cũng theo ông Thanh, Chính phủ và nhất là Bộ NN-PTNT cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng vùng nguyên liệu điều ở Campuchia và hai tỉnh phía Nam của Lào. Trước đây, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tặng cho nước bạn 200.000 cây điều giống. Cây điều phát triển rất tốt, hiện nay một số doanh nghiệp đã đầu tư vùng nguyên liệu điều ở Campuchia, đem về lợi nhuận cao. Nếu có nguồn cung dồi dào, chúng ta sẽ đầu tư các nhà máy chế biến ở giáp biên.

MINH PHÚC


Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường