Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Siết quảng cáo, đổi mới phương thức khảo nghiệm phân bón
04 | 12 | 2017
TTO - Hơn 20.000 sản phẩm phân bón đang được lưu hành trên thị trường sẽ được rà soát và phân loại lại, đồng thời các quảng cáo sẽ được siết chặt hơn cùng lúc phương thức khảo nghiệm sẽ được đổi mới.

 

Siết quảng cáo, đổi mới phương thức khảo nghiệm phân bón - Ảnh 1.

Dù làm lại đến lần thứ 3, nhưng Dự thảo "Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón" vẫn nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Quảng cáo cần có nội dung hướng dẫn kỹ thuật

Tại hội nghị phổ biến Nghị định về quản lý phân bón và giới thiệu việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất phân bón, do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) tổ chức tại TP.HCM ngày 7-11, các đại biểu cho rằng hiện này đang có tình trạng rất nhiều sản phẩm có mục đích và công năng sử dụng không khác gì phân bón.

Các sản phẩm này trên bao bì, nhãn mác không thể hiện thông tin vì thế cơ quan chức năng không quản lý được.

Các đại biểu cũng nêu tình trạng không ít doanh nghiệp kinh doanh phân bón trong hồ sơ xin mang sản phẩm này nhưng thực tế khi xuống quảng bá cho nông dân lại là sản phẩm khác.

Mức phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng đối với hành vi buôn bán phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức quy định" nhiều ý kiến đóng góp cũng cho rằng chưa phù hợp thực tế vì "phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức quy định là trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất, chứ không phải thuộc về người bán".

Ở góc độ kỹ thuật chuyên môn, ông Trần Kim Tính, Giảng viên khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, cho rằng để Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thật sự có hiệu quả, các thông tư hướng dẫn tiếp theo cần làm rõ các khái niệm, cũng như quy định cụ thể có liên quan đến các yếu tố ẩm độ trong phân bón, độ pH, định nghĩa về việc thế nào là phân bón mới…

"Việc quy định cụ thể về hàm lượng độ pH có trong phân bón cần được siết lại. Chẳng hạn thị trường đang bán nhan nhãn các loại super phân lân nhưng độ pH chỉ có 3, trong khi tỉ lệ này rất nguy hiểm cho cây trồng vì không đạt tiêu chuẩn", ông Tính cảnh báo.

Với việc quảng cáo phân bón tràn lan khắp nơi, ông Tính đề xuất trong quảng cáo sản phẩm "cần có ít nhất 50% nội dung hướng dẫn kỹ thuật để bà con nông dân hạn chế canh tác sai".

Đổi mới phương thức quản lý thiết thực

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, các ý kiến đóng góp cho Nghị định 108 và Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón sẽ được "tiếp thu và sẽ có văn bản trả lời, hướng dẫn trong thời gian sớm nhất".

"Việc chắt lọc từng ý kiến đóng góp để khi Nghị định xử phạt phân bón đi vào cuộc sống chắc chắn phải đạt được chất lượng, lẫn hiệu quả trong thực tiễn. Quan điểm của chúng tôi là các văn bản quy phạm pháp luật phải áp dụng được đúng, trúng vào thực tế, chứ không chỉ là lý thuyết suông, hoặc không thể thực hiện được", ông Hoàng Trung nói.

Ông Trung cho biết dự kiến vào trung tuần tháng 12-2017, Dự thảo sẽ được trình Chính phủ lần cuối trên tinh thần "Chính phủ ban hành ngày nào sẽ có hiệu lực ngay ngày đó để rút ngắn thời gian áp dụng".

Đặc biệt, trong thời gian tới, việc đổi mới phương thức quản lý khảo nghiệm phân bón sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, trong đó trách nhiệm của từng địa phương sẽ được quy định cụ thể, chi tiết tại tài liệu khung hướng dẫn mà Cục Bảo vệ thực vật đang tiến hành, nhằm hướng tới tương lai Việt Nam sẽ có thêm loại phân bón mới, với chất lượng và tính năng vượt trội hơn hẳn những sản phẩm phân bón hiện hữu.

Đồng thời, với hơn 20.000 sản phẩm phân bón đang được lưu hành trên thị trường, ông Trung cho biết sẽ rà soát lại, từ đó sẽ ban hành danh mục quản lý phân bón theo đúng quy định hiện hành, kể cả tiến hành lại việc công nhận cho từng loại.



TRẦN VŨ NGHI - TTO
Báo cáo phân tích thị trường