Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đầy ưu đãi, phân bón nội vẫn “sợ” hàng ngoại
28 | 11 | 2017
Đang có đà tăng trưởng tốt, nhận nhiều ưu đãi, tuy nhiên, các nhà máy sản xuất phân bón “đầu tàu” của Việt Nam đang có nguy cơ không đủ sức áp chế phân bón ngoại, khi sản lượng nhập khẩu phân bón vẫn liên tục gia tăng.

 

 

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải Quan cho biết, tính chung 10 tháng năm 2017, Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu 3,9 triệu tấn phân bón, tăng 17,5% về lượng và tăng 15% về giá trị. 

Riêng trong tháng 10/2017, cả nước nhập khẩu gần 395 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 100,8 triệu USD, tăng 75,1% về lượng và tăng tới 92,5% về giá trị (so với cùng kỳ 2016).

Hàng tỷ USD nhập phân bón

Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra số liệu ước tính lượng nhập khẩu phân bón trong tháng 10/2017 đạt 301 nghìn tấn với giá trị 67 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu phân bón 10 tháng năm 2017 lên 3,83 triệu tấn, trị giá 1,02 tỷ USD, tăng 14,7% về khối lượng và tăng 11,4% về giá trị so với cùng kỳ 2016.

Về thị trường, Trung Quốc và Nga tiếp tục là hai thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam trong 10 tháng qua, với tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 530 triệu USD, tương đương gần 1,95 triệu tấn phân bón. 

Trong đó, thị trường Trung Quốc dẫn đầu và áp đảo với hơn 1,5 triệu tấn, đạt kim ngạch 392,1 triệu USD, chiếm 37,4% tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón cả nước. Thị trường Nga đứng thứ hai với kim ngạch 138,3 triệu USD, tương đương gần 455 nghìn tấn.

Đáng chú ý, trong tốp 10 thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất vào Việt Nam có sự hiện diện của Lào, thị trường xếp vị trí thứ 6, với kim ngạch nhập khẩu trị giá 39 triệu USD, chỉ thấp hơn Trung Quốc, Nga, Belarus, Hàn Quốc, Indonesia và đứng trên Canada, Israel, Malaysia và Nhật Bản.

Thị trường Lào gây chú ý bởi quốc gia này không có ngành công nghiệp phân bón. Không ngoại trừ khả năng các doanh nghiệp từ Lào đã nhập khẩu phân bón từ các quốc gia khác rồi xuất ngược lại Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, trong 9 tháng năm 2017, xuất khẩu phân bón Việt Nam sang Lào tăng mạnh hơn 84% về lượng và tăng 7,62% về trị giá nhưng cũng chỉ đạt lần lượt 28,2 nghìn tấn, trị giá 7,1 triệu USD. Rõ ràng, thâm hụt thương mại tới gần 6 lần với một quốc gia chưa phát triển công nghiệp phân bón như Lào là một điều đáng suy nghĩ.

Về thành phần, thống kê cho thấy khối lượng nhập khẩu phân đạm urê trong 10 tháng qua ước đạt 407 nghìn tấn với giá trị đạt 102 triệu USD, giảm 16,2% khối lượng và giảm 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cần lưu ý, theo Agrimonitor, tiêu thụ phân bón nội địa của urê năm 2017 dự báo tăng 2,15%.

Nhu cầu tăng trong khi nhập khẩu giảm cho thấy các nhà máy sản xuất phân đạm urê trong nước đang làm tốt vai trò dẫn dắt thị trường, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, sự tốt này lại đi kèm với việc giá chào bán urê trong nước lại tăng khoảng 15% từ đầu năm đến nay, gây ảnh hưởng tới người sử dụng.

Các chính sách trợ lực có thể giúp các nhà máy sản xuất trong nước hồi sinh, song nếu chỉ trông chờ vào bảo hộ của Chính phủ mà không chịu nâng cao nội lực, các doanh nghiệp phân bón nội có thể thất thế trên chính sân nhà và khó sống sót trong bối cảnh hội nhập.

Vẫn còn điểm yếu?

Nếu các nhà máy trong nước được đánh giá tốt trong giữ thị trường phân đạm urê thì sản xuất phân SA lại làm chưa tốt. Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2017, Việt Nam đã chi 107 triệu USD để nhập khẩu 904 nghìn tấn phân SA, tăng 9,7% về khối lượng và tăng 9,7% về giá trị so với năm 2016.

Việc phải chi tới hơn 1 tỷ USD nhập khẩu phân bón, trong đó có hơn 200 triệu USD cho phân đạm urê và phân SA, cho thấy các nhà máy sản xuất phân bón trong nước dù được trợ lực mạnh nhưng vẫn chưa đủ sức áp chế phân bón ngoại, đặc biệt là phân bón Trung Quốc.

Hiện tại, Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (DPM) đang là hai đơn vị chủ lực, chiếm khoảng 80% thị phần phân đạm trong nước. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, DPM và DCM vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng khá tốt kể từ đầu năm 2017.

Với DPM, tính đến 1/11, nhà máy đạt sản lượng 777 nghìn tấn urê quy đổi (đạt 101% kế hoạch năm 2017), khối lượng tiêu thụ đạt 700 nghìn tấn đạm (đạt gần 90% kế hoạch năm), hơn 330 ngàn tấn các mặt hàng phân bón khác (đạt 103% kế hoạch năm). Doanh thu hợp nhất 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 7.078 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 800,2 tỷ đồng.

Với DCM, sau ba quý năm 2017, doanh thu ước đạt 4.260 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tổng khối lượng tiêu thụ urê thương mại sau ba quý đạt gần 646 nghìn tấn, tăng 19% so với cùng kỳ. 

Hoạt động xuất khẩu tại thị trường trọng điểm Campuchia tăng trưởng hơn 120%. Lưu ý là hiện DCM đang trong thời gian được hưởng một số ưu đãi khá lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá nguyên liệu đầu vào… 

Đang đạt những kết quả khả quan, nhưng sức tăng trưởng của DCM, DPM hay hầu hết các nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam vẫn khá chông chênh, minh chứng là sản xuất không những không áp chế được phân bón ngoại, mà còn phải hạ chỉ tiêu.

Cụ thể, DCM phải hạ chỉ tiêu doanh thu từ 5.845 tỷ đồng xuống còn 5.092 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phải hạ từ 649 tỷ đồng xuống còn 621 tỷ đồng. Với DPM, dù doanh thu tăng trưởng 16%, đạt 2.113 tỷ đồng trong quý III/2017, nhưng lãi sau thuế giảm gần 33% xuống chỉ còn hơn 141 tỷ đồng.

Các “ông lớn” ngành phân bón như DCM, DPM… có tiềm lực mạnh, nhiều ưu đãi cũng đang phải vật lộn cạnh tranh. Điều này lý giải vì sao các doanh nghiệp phân bón khác lại thất thế trước hàng ngoại. Tiếng “kêu cứu” của các nhà máy DAP và thuế tự vệ tạm thời với DAP/MAP nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 8/2017 là một ví dụ.

Sắp tới, cùng với các chính sách miễn giảm thuế khi tham gia hiệp định thương mại, thuế nhập khẩu một số dòng phân bón sẽ giảm về 0%. Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt để giữ thị trường. 

Bất lợi khi cạnh tranh trong giai đoạn này sẽ thuộc về doanh nghiệp trong nước khi sản phẩm làm ra mặc định đã chịu thuế VAT là 10%, trong khi giá phân bón nhập khẩu lại thường thấp hoặc ngang bằng với phân bón trong nước. 
 

Hiến Nguyễn

 



Báo cáo phân tích thị trường