Thương mại biên mậu bao gồm chủ yếu các hàng hóa tiêu dùng Thái Lan như gạo, đường, thực phẩm đóng hộp và thực phẩm sơ chế cũng như các linh kiện ô tô và các vật liệu xây dựng. CÁc giao dịch thường được thanh toán bằng các đồng nội tệ – thường là đồng Baht do sự ổn định tương đối của đồng tiền này. Giá trị xuất khẩu thương mại biên mậu của Thái Lan năm 2018 là khoảng 8.000 tỷ Baht, tương đương khoảng 16% tổng giá trị xuất khẩu của Thái Lan. Nhưng Bộ Thương mại Thái Lan cho rằng xuất khẩu biên mậu của Thái Lan sẽ tăng mạnh trong vài năm tới do các nền kinh tế láng giềng tiếp tục tăng trưởng.
Chính phủ Thái Lan đã cam kết hỗ trợ cho các hoạt động thương mại biên mậu. “Chúng tôi đặt mục tiêu tổ chức thêm nhiều chuyến thăm thương mại và các hội chợ thương mại tại Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Malaysia trong năm 2018 để giúp tăng cường thương mại giữa Thái Lan và các nước láng giềng”, theo phát biểu của ông Adul Chotinisakorn, tổng giám đốc cơ quan ngoại thương thuộc Bộ Thương mại, chuyên trách về các vấn đề thương mại biên mậu.
Ông Adul cho biết Bộ Thương mại Thái Lan cũng có kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm Thái Lan sang các địa phương vùng biên, quy mô nhỏ, thay vì chỉ nhắm vào các đô thị lớn, như các chính sách trước đây từng đề ra. Xét đến vệc sử dụng các đồng nội tệ, ông Adul cho rằng thương mại biên mậu được kỳ vọng sẽ giúp giảm rủi ro do biến động tỷ giá, đặc biệt là khi đồng Baht tiếp tục tăng giá so với đồng USD. Triển vọng tích cực của nền kinh tế Thái Lan và các nỗ lực khôi phục dân chủ là những nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng giá đồng Baht.
Bộ Thương mại Thái Lan đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 ở mức 8%, lên 255,6 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 9% trong năm 2017. Một rào cản lớn của tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 của Thái Lan là sự tăng giá đồng Baht. Đồng Baht đã tăng hơn 9% trong năm 2017 và từ đầu năm 2018 đến nay đã tăng giá 4,6%, làm dấy lên lo ngại rằng giá cao hơn có thể khiến hàng hóa Thái Lan kém cạnh tranh hơn.
Theo Nikkei Asia (gappingworld.com)