Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chăn nuôi lợn Mỹ trước những đe dọa áp thuế từ Trung Quốc
26 | 03 | 2018
Đe dọa áp thuế cao lên nhập khẩu thịt lợn Mỹ của Trung Quốc đang gây áp lực giảm mạnh lên giá lợn tương lai trên thị trường Mỹ và cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn của nước này, đồng thời làm gia tăng lo ngại về giai đoạn khó khăn sắp tới cho nông dân chăn nuôi lợn khi nhu cầu yếu đi từ nước nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới – Trung Quốc.

Nông dân chăn nuôi lợn của Mỹ đã lo lắng hàng tháng trời rằng căng thẳng thương mại leo thang sẽ gây tác động xấu tới xuất khẩu đậu tương và các nông sản khác. Trung Quốc nhập khẩu 19,6 tỷ USD các hàng hóa nông sản của Mỹ trong năm 2017; trong đó đậu tương chiếm tới 12,4 tỷ USD. Mặc dù không đưa ra một khung thời gian triên khai cụ thể, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết chính phủ nước này đang xem xét áp thuế 25% đối với thịt lợn Mỹ cộng dồn vào các loại thuế phí hiện nay và không công bố mức thuế dự định áp cho đậu tương.

Trung Quốc là thị trường chính của thịt lợn Mỹ do các nhà nhập khẩu Trung Quốc mua các phần của lợn mà người tiêu dùng các nước khác ít đụng đến như chân giò, móng và các phần nội tạng. Năm 2017, nông dân Mỹ đã xuất khẩu 1,1 tỷ USD các sản phẩm thịt lợn sang Trung Quốc và Hong Kông, đưa thị trường này trở thành thị trường lớn thứ 3 của Mỹ về giá trị. Mức thuế tăng thêm này khiến các nhà cung cấp thịt lợn Mỹ như Smithfield Foods, thuộc sở hữu của WH Group (Trung Quốc) và JBS SA giảm giá cổ phiếu.

Giá lợn nạc trên thị trường tương lai của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017. “Chúng tôi bán rất nhiều thịt lợn sang thị trường Trung Quốc, nên mức thuế cao này thực sự gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu lẫn nền kinh tế nông thôn”, theo Jim Heimerl, một nông dân chăn nuôi lợn tại Ohio và chủ tịch Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia Mỹ cho biết.

Thuế cao, cùng với cuộc chiến thương mại ngày càng nóng bỏng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể làm tăng nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc đối với các nguồn từ từ Đức và Đan Mạch. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ có thể dựa nhiều vào các nguồn cung nội địa, sau khi các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn của nước này đồng loạt triển khai các kế hoạch sản xuất – kinh doanh. Giá thịt lợn tại Trung Quốc đang dao động trong khoảng thấp nhất trong vòng 4 năm qua ở mức 10 NDT/kg, tương đương 1,58 USD/kg, làm giảm nhu cầu nhập khẩu. “Ngay cả khi không áp thuế thì với mức giá nội địa thấp, Trung Quốc cũng sẽ tăng tiêu dùng thịt lợn nội địa”, theo Luis Chein, giám đốc WH Group, nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là công ty nhập khẩu thịt lợn Mỹ lớn nhất tại nước này.

Smithfield của WH Group và các đối thủ cạnh tranh tại Mỹ đang phải tái lập ngành chăn nuôi lợn của nước này để thích ứng với quy định cấm chất tăng trọng ractopamine của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu thịt lợn Mỹ đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ Canada, hiện đang giảm nhanh việc sử dụng thuốc và các nhà cung cấp khác. “Trung Quốc là thị trường nhạy cảm về giá”, theo nhận định của ông Dan Halstrom, giám đốc điều hành Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ. “Bất cứ chính sách tăng thuế nào cũng sẽ tác động tới vị thế cạnh tranh của thịt lợn Mỹ”.

Theo Reuters (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường