Quan điểm FDI có phải doanh nghiệp nội địa hay không và có nên phân biệt khác biệt hay không, không phải là điều mà kết quả của bức tranh xuất nhập khẩu 2017 gợi nên. Tuy nhiên, số liệu xuất nhập khẩu 2017 - Tổng cục Hải Quan đến Bộ Công Thương, cho thấy nhiều điều.
|
Tỉ trọng xuất khẩu của khối FDI và khối trong nước. Nguồn biểu đồ: Tổng cục Hải quan |
Tính đến hết 12 tháng/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21%, tương ứng tăng 73,74 tỷ USD so với năm 2016; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2%, tương ứng tăng 37,44 tỷ USD, và tổng trị giá nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 21%, tương ứng tăng 36,3 tỷ USD so với năm 2016.
Qua số liệu có thể tự hào khẳng định 2017 là năm đầu tiên Việt Nam đạt tổng giá trị xuất khẩu vượt ngưỡng 200 tỷ USD. Đây là con số tôn vinh những nỗ lực và “thành tích” của hoạt động xuất khẩu năm qua.
Có điều, trong số 214,02 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, hết tháng 12/2017, khối FDI đóng góp cho tổng kim ngạch 152,19 tỷ USD, tăng 22,9%, tương ứng tăng 28,31 tỷ USD so với năm trước. Ước tính sơ bộ khối FDI đang đóng góp khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 1 năm.
Với 1 nền kinh tế có độ mở lớn, tăng trưởng GDP phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, mà “đội quân chủ lực” đóng góp kim ngạch với tỷ trọng lớn nhất lại là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì điều đó quả thực là một vấn đề đáng suy nghĩ.
Càng đáng suy nghĩ hơn khi ở chiều nhập khẩu, khối FDI cũng đang dẫn đầu với 126,37 tỷ USD, tăng 23,4%, tương ứng tăng 23,94 tỷ USD so với năm trước, trong tổng số chung 278 tỷ USD mà khối này thực thi xuất-nhập khẩu. Như vậy, cán cân thương mại của khối FDI năm 2017 thặng dư 25,81 tỷ USD. Nếu so với khối doanh nghiệp trong nước thâm hụt thương mại tới 22,9 tỷ USD và hoàn toàn lép vế nếu so trên bảng tỷ trọng đóng góp xuất nhập khẩu, đặc biệt ở chiều xuất. FDI đã có 1 năm hoạt động ấn tượng.
Nhưng việc đóng góp thặng dư thương mại cho bức tranh xuất khẩu nói chung hay quyết định thâm hụt thương mại, đang hoàn toàn nằm trong tay của khối FDI, khiến quan ngại càng sâu thêm khi: Việc lệ thuộc của nền kinh tế vào một khối đầu tư có thời hạn, chu kỳ và điều gì sẽ xảy ra nếu các DN FDI hết “đổ dồn” đầu tư vào vùng trũng Việt Nam hoặc các dự án đã, đang đầu tư sẽ đến lúc bị biến động.
Thêm vào đó, trong đóng góp của khối FDI, tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chiếm bao nhiêu phần trăm và được giữ lại, thực nhận của Việt Nam? E rằng một đôi giày bán ra 100 USD ở thị trường với giá trị nguyên vật liệu nhập khẩu theo tính toán chiếm chừng 70 USD, thì thực nhận trong con số còn lại của Việt Nam, rất ít, hoàn toàn không phải là 30 USD như tính nhẩm!
Kỳ II: Cơ hội cho ngành xuất khẩu nào của doanh nghiệp nội địa?
Theo enternews.vn