Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mía chết dần, 28.000 tấn mắc kẹt ở ruộng chờ “giải cứu”
11 | 04 | 2018
Sau khi Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) bị chính quyền tỉnh Bình Định “tuýt còi”, yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố môi trường. Người trồng mía ở địa phương cũng lâm cảnh lao đao, 28.000 tấn mía mắc kẹt trên đồng của nông dân chờ được giải cứu.
Ruộng mía của nông dân Tây Sơn đang chờ thu mua. Ảnh: Dũ Tuấn

Những ngày này, nông dân vùng mía ở huyện Tây Sơn (Bình Định) thấp thỏm “ngồi trên đống lửa” vì mía đang đến độ thu hoạch nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định.

Ông Võ Khương (trú thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang) có trên 1,5ha mía đang chờ thu hoạch trên ruộng, cho hay: “Thời điểm này năm ngoái, Công ty đã thu mua được hơn nửa diện tích. Nhưng năm nay, trên 1,5ha mía của gia đình tôi vẫn đứng trơ ngoài ruộng. Mấy năm trước, BISUCO còn có chính sách hỗ trợ đầu tư, thu mua mía nhưng giờ hầu như chúng tôi tự bơi. Nhà nông một năm có 1 vụ mía, đến giờ công ty không phát phiếu mua, để mía chết khô dần ngoài ruộng, nông dân điêu đứng”.

Trước bối cảnh nhà máy sản xuất Công ty CP Đường Bình Định bị UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tạm đóng cửa “để khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường”, ông Đỗ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) đã ký văn bản gửi Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), kêu gọi doanh nghiệp này thu mua 28.000 tấn mía còn mắc kẹt trên đồng của nông dân.

“Để giúp nông dân thu hoạch kịp thời, đạt năng suất và triển khai vụ tiếp theo, chúng tôi đề nghị Nhà máy đường An Khê tổ chức thu mua mía nguyên liệu, thời gian thu hoạch từ ngày 4-30.4”, ông Sỹ cho hay.

Mía ứ đọng trước nhà máy Công ty CP Đường Bình Định. Ảnh: D.T

Đáp lại lời kêu gọi từ chính quyền huyện Tây Sơn, ông Nguyễn Văn Hòe - Giám đốc Nhà máy đường An Khê, cam kết nhà máy sẽ mua hết sản lượng mía vụ ép 2017-2018, đảm bảo tái sinh gốc kịp thời vụ.

Tùy thuộc vào tình hình nhân công thu hoạch, chất lượng mía nguyên liệu theo quy chuẩn, nhà máy dự kiến thu mua từ 500 tấn/ngày trở lên tại vùng nguyên liệu tỉnh Bình Định và đến ngày 20.5 sẽ thu mua hết mía trên đồng.

Theo Nhà máy đường An Khê, hiện nhà máy đang mua và hỗ trợ tiền vận chuyển 200.000 đồng/tấn với giá 800.000 đồng/tấn (10 chữ đường), 720.000 đồng/tấn (9 chữ đường) và 640.000 đồng/tấn (8 chữ đường). Đến nay, nhà máy đã thu mua 6.000 tấn mía của nông dân và trả tiền ngay trên ruộng. 

“Để giảm thiểu tổn thất sau khi thu hoạch, nhà máy mong muốn tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương vùng mía tuyên truyền đến người trồng mía phối hợp với nhà máy để biết chính sách đầu tư, mua mía. Đảm bảo mía thu về nhà máy đạt chất lượng chín, tươi, sạch”, ông Hòe đề nghị.

Nhiều nông dân lo lắng vì đã vào mùa vụ thu hoạch nhưng đầu ra không ổn định. Ảnh: D.T

Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, bước vào vụ ép mía 2017 - 2018, Công ty CP Đường Bình Định đã 2 lần bị tạm dừng hoạt động vì không đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường. Gần đây nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã ký văn bản yêu cầu BISUCO, tạm ngừng hoạt động sản xuất vụ ép mới niên vụ 2017-2018 kể từ ngày 23.3 cho đến khi hoàn thành các nội dung về công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại, chưa khắc phục kéo dài.

Theo Dân Việt

 



Báo cáo phân tích thị trường