Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường lỏng Trung Quốc tràn vào gây khó cho đường nội
03 | 04 | 2018
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, mỗi năm có hàng trăm ngàn tấn đường lỏng (HFCS) chiết xuất từ bắp được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan với thuế 0% đang tràn vào Việt Nam.
Đường lỏng Trung Quốc tràn vào gây khó cho đường nội, (ảnh IT) mía đường trong nước đang gặp khó khăn khi tồn kho tăng cao 

Đường lỏng HFCS là loại đường không thể kết tinh, được chiết xuất thủy phân hóa học từ hạt bắp có độ ngọt cao, không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Các chuyên gia về sức khỏe đã từng đưa ra cảnh báo, việc lạm dụng HFCS có thể làm tăng cân, tăng mỡ bụng nhanh hơn so với đường thông thường và đặc biệt là nguy cơ dẫn tới các bệnh về tim mạch, tiểu đường type 2 và béo phì…

Điều đáng nói là giá mặt hàng đường HFCS cũng liên tục giảm, nếu như năm 2015 là 960 USD, cộng các khoản chi phí và vận chuyển và bị đánh thuế thì nhập khẩu vào Việt Nam đường lỏng sẽ không cạnh tranh được với đường trong nước. Tuy nhiên, thực tế nhập từ 3 quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan lại có thuế 0% dẫn tới mặt hàng đường lỏng nhập khẩu đã không ngừng tăng. Đặc biệt, mặt hàng đường lỏng này cũng liên tục giảm giá,  đến 2016 giảm xuống 460 USD/tấn và đến 2017 chỉ còn 398 USD/1 tấn.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, VSSA cho biết trong  2015, nhập khẩu đường HFCS đạt 67.834 tấn nhưng đến năm  2016 đã tăng lên 70.090 và năm 2017 đã tăng lên 89.434 nghìn tấn.

Cũng theo VSSA, hiện có 3 nước được ưu đãi mức thuế nhập khẩu đường VSSA là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan với thuế suất 0%, các nước còn lại đều có thuế suất đối với mặt hàng đường HFCS là 22,5%. Giả sử, nếu như vẫn áp mức thuế 22,5%  đối với mặt hàng đường HFCS thì trong 3 năm từ 2015 đến 2017 chúng ta có thể thu được hơn 500 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch VSSA, việc nhập khẩu  đường lỏng vào Việt Nam đã hạn chế tiêu thụ đường trong nước, gây khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Thực tế, đường HFCS chủ yếu dùng cho sản xuất nước ngọt, bánh kẹo trong khi một số nước như Philipil đã cấm hãng Cocacola sử dụng loại đường này để sản xuất nước ngọt vì đường này không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Do đó, VSSA đã có kiến nghị cần đưa ra các giải pháp để hạn chế nhập khẩu mặt hàng đường lỏng HFCS.

Trước đó,  VSSA cho biết, tính đến 15.3, các nhà máy đường trên cả nước đã ép được hơn 8,2 triệu tấn mía, sản xuất 754.265 tấn đường, trong đó có 231.952 tấn đường tinh luyện. Tuy nhiên, tồn kho tại các nhà máy đường tính đến 28.2 lên tới 532.530 tấn, trong đó tại các công ty thương mại cũng đang tồn kho tới hơn 14.000 tấn.

“Để đảm bảo tiêu thụ được đường, VSSA đã khuyến các các doanh nghiệp trong Hiệp hội cần chủ động giữ chân khác hàng truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khách hàng mới. Đồng thời, các nhà máy cũng cần linh hoạt hạ giá thành để tiêu thụ được đường. Dù bị lỗ vốn cũng phải chấp nhận trong lúc khó khăn để sẵn sàng cạnh tranh với đường lậu”, ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch Hiệp hội VSSA cho biết.

Theo thống kê của Hiệp hội VSSA, hiện đã có nhiều nhà máy chấp nhận lỗ để hạ giá đường xuống chỉ còn khoảng 11.000 đồng nhằm cạnh trạnh với đường lậu. Trong khi cùng thời điểm này năm ngoái, giá đường trên thị trường ở mức 15.000 đồng, tức là đã giảm khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg.

Mặc dù giá đường đã giảm mạnh nhưng VSSA cũng cho biết, cơ bản các nhà máy vẫn giữ giá thu mua mía đã ký kết với người trồng mía. Hầu hết các nhà máy ý thức được vấn đề nếu không giữ giá nông dân sẽ bỏ mía sang trồng cây trồng khác.

Theo Nông thôn ngày nay

 



Báo cáo phân tích thị trường