Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Diễn biến giá đường trong nước năm 2006 và dự báo năm 2007
20 | 06 | 2007
Thị trường đường trong nước năm 2006 được coi là năm sôi động nhất, giá đường đạt ở mức kỷ lục (13.000 đ/kg) trong vòng 10 năm trở lại đây. Và luôn dao động theo xu hướng tăng mạnh ngay từ đầu năm
Thị trường đường trong nước năm 2006 được coi là năm sôi động nhất, giá đường đạt ở mức kỷ lục (13.000 đ/kg) trong vòng 10 năm trở lại đây. Và luôn dao động  theo xu hướng tăng mạnh ngay từ đầu năm, tháng 1/2006 giá đường ở mức 11.500 đ/kg, vượt xa so với mức cao nhất của năm 2005, mức đỉnh điểm tháng 5/2006 đạt 13.000 đ/kg, hiện tại giá đường giảm mạnh ở mức 9.000-10.000 đ/kg. Sự tăng giá đường trong năm 2006 do nhiều nhân tố tác động: nguồn cung khan hiếm, nhu cầu tăng cao, chi phí sản xuất tăng và đặc biệt là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung đường trên thị trường thế giới. 
Từ đầu tháng 10-2006 đến nay, giá đường bán ra tại các nhà máy liên tục giảm và đứng ở mức thấp, hiện chỉ còn 7.000-7.600 đồng/kg tùy loại (giá bán buôn), 9.000-10.000 đ/kg (giá bán lẻ). So với thời điểm “sốt giá” trong năm nay, giá đường đã giảm 4.000-5.000 đồng/kg. Với mức giá này, đường nội địa đã “đánh bật” đường nhập lậu từng tràn ngập khu vực phía Nam trong thời gian qua. Tính hết tháng 11/2006, cả nước đã nhập khẩu 117,7 nghìn tấn đường với trị giá đạt 48 triệu USD, giá nhập khẩu trung bình đạt 407,7 USD/tấn.
Tuy nhiên, giá đường trong nước hiện vẫn cao hơn nhiều so với mức giá đường bình quân của thế giới. Giá đường thế giới bình quân 350-370 USD/tấn, tính ra chỉ 5.500-5.600 đồng/kg. Do Nhà nước bảo hộ ngành đường bằng thuế suất nhập cao và hạn ngạch nhập khẩu nên đường nhập khẩu vào Việt Nam rất hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm tới người tiêu dùng sẽ không còn phải ăn đường giá cao.
Theo các nhà sản xuất và kinh doanh đường, những năm tới sẽ không còn xảy ra những cơn “sốt giá” như thời gian qua, nguyên nhân là do nguồn cung đường trong nước rất dồi dào, bên cạnh đó còn có đường nhập khẩu, chưa kể sản phẩm đường nhập khẩu chính ngạch.
Trong cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, đến năm 2012 Việt Nam sẽ cắt giảm 85% mức thuế nhập khẩu đường, cao nhất chỉ còn 6%. Tuy nhiên, trước mắt giá đường sẽ bị tác động bởi lộ trình giảm thuế của Khu vực Tự do mậu dịch ASEAN (AFTA). Theo đó, từ năm 2007 Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đường còn 30%, sau đó giảm thêm và chỉ còn 5% vào năm 2010.
Hiện nhiều nước là thành viên WTO vẫn áp dụng chính sách bảo hộ ngành mía đường. Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp, người nông dân và các doanh nghiệp mía đường Việt Nam vẫn phải tự xoay xở, các địa phương chưa có chính sách gì hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông để nâng cao năng suất mía và thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu. Đây là một bất lợi lớn cho ngành mía đường Việt Nam khi Việt Nam gia nhập WTO.
Trong đó, các nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) thực hiện chính sách bảo hộ xuất khẩu đường với mức hỗ trợ lên đến 744 USD/tấn. Từ tháng 6-2006, mức hỗ trợ này mới được cắt giảm xuống còn 622 USD/tấn và còn 426 USD/tấn vào năm 2012. Chính sách này gây khó khăn cho những nhà sản xuất ở các nước không có điều kiện trợ giá cho người sản xuất mía đường.
Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ nông dân sau khi Việt Nam gia nhập WTO là có thể thực hiện được. Trong cam kết với WTO, Việt Nam được phép duy trì hỗ trợ không quá 10% giá trị sản lượng, chưa kể một khoản hỗ trợ khác khoảng 4.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ước sản lượng mía niên vụ 2006/07 cả nước đạt 17,58 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 1,4 triệu tấn, tăng 27% so với niên vụ trước, tiêu dùng khoảng hơn 1 triệu tấn. Do đó có khả năng cân đối được cung cầu tiêu thụ đường trong nước.
Dự kiến trong thời gian tới, giá đường kính sẽ tiếp tục chiều hướng giảm, nhưng mức giảm không nhiều. Mặc dù nhu cầu sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Nguyên đán tăng, nhưng do các tỉnh bước vào thu hoạch rộ vụ mía đường 2006/07 với sản lượng đường cung ứng trên 200.000 tấn và giá thu mua nguyên liệu mía thấp hơn nhiều so với vụ trước.



Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường