Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành thương mại trong năm 2007 là giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu. Trong bối cảnh nền kinh tế thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh và biến động giá cả, việc dự báo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu càng trở nên cần thiết nhằm giúp các cơ quan chức năng chủ động khắc phục những yếu tố bất lợi, điều hành thị trường một cách có hiệu quả.+Cân đối cho xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo
Năm 2007, ước sản lượng lúa cả nước đạt 37 triệu tấn, trong đó, lúa đông xuân 17,7 triệu tấn, lúa hè thu 10,6 triệu tấn, lúa mùa 8,7 triệu tấn. Sau khi trừ chi dùng trong nước khoảng 27,6 triệu tấn (gồm để giống 1 triệu tấn, hao hụt và thức ăn chăn nuôi 6 triệu tấn, để ăn 20,6 triệu tấn) còn lại khoảng 9,3 triệu tấn thóc, tương đương 5 triệu tấn gạo để cho xuất khẩu.
Dự báo sản lượng lượng thực toàn cầu niên vụ 2006 - 2007 thấp hơn vụ trước 1 triệu tấn. Đây là yếu tố giúp giữ giá gạo thế giới năm 2007 tiếp tục ở mức cao. Điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2007 cũng như những năm tới.
+ Đảm bảo đủ phân bón với giá cả ổn định
Nhu cầu tiêu thụ phân bón cả nước trong năm 2007 khoảng 7,85 triệu tấn, trong đó, phân urê 1,8 triệu tấn. Với năng lực sản xuất trong nước khoảng 4,7 triệu tấn phân bón các loại thì vẫn cần nhập khẩu thêm khoảng 3,15 triệu tấn.
Theo dự báo, năm 2007 giá phân bón, trong đó có phân urê còn ở mức cao do giá dầu còn diễn biến phức tạp và tác động của giá bán than, điện trong nước tăng, tuy nhiên, giá bán phân bón trong nước tiếp tục xu hướng ổn định, dao động quanh mức 4.500 - 5.000 đồng/kg do nguồn phân bón sản xuất trong nước đã chiếm gần 60% nhu cầu.
Bộ Thương mại đề nghị Hiệp hội phân bón Việt Nam cùng các nhà máy sản xuất trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu lớn hình thành mạng lưới phân phối phân bón và vật tư nông nghiệp rộng khắp tới tận thôn, xã phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý.
+Nhu cầu tăng nhưng giá mía đường vẫn ổn định
Năm 2007, dự báo nhu cầu tiêu dùng đường trong nước khoảng 1,370 triệu tấn, tăng 5-6% so với năm 2006. Dự báo, sản lượng mía vụ 2006/2007 cả nước đạt khoảng 15,5 triệu tấn với 37 nhà máy ép được khoảng 11,9 triệu tấn mía, sản xuất được 1,109 triệu tấn đường công nghiệp cộng với khoảng 150.000 tấn đường thủ công và lượng đường tồn kho vụ trước chuyển sang.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tình trạng sâu bệnh và nước mặn tràn qua bờ ao tại các tỉnh miền Tây Nam bộ đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mía nên dự kiến sản lượng đường sẽ không đạt như kế hoạch, khả năng chỉ đạt 1.050.000 tấn đường công nghiệp và 150.000 tấn đường thủ công. Nhưng từ năm 2007, Việt Nam sẽ thực hiện cam kết nhập khẩu trong hạn ngạch 55.000 tấn đường/năm. Do đó, nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu cộng với lượng đường tồn kho từ vụ trước còn khoảng 170.000 tấn nên cơ bản vẫn đáp ứng đủ nhu cầu đường cho thị trường trong nước. Dự báo, giá bán buôn đường (có VAT) sẽ dao động quanh mức 8.000 - 8.500 đồng/kg.
+Xi măng tăng giá do tác động của giá nguyên liệu đầu vào
Thị trường xi măng năm 2007 dự báo ít có biến động về cung cầu do đây là mặt hàng có khối lượng lớn, giá trị thấp và mức giá bán tại thị trường trong nước chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, do giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào của sản xuất xi măng như điện, than, clinker tăng nên giá bán xi măng trong nước sẽ tăng. Năm 2006, do giá nhập khẩu clinker và các chi phí đầu vào tăng nên giá bán xi măng đã tăng nhẹ, phổ biến từ 760 - 830.000 đồng/tấn ở miền Bắc và từ 870 - 970.000 đồng ở miền Nam
Căn cứ kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Xây dựng dự tính nhu cầu xi măng năm 2007 khoảng 34,6 - 35,4 triệu tấn, lượng clinker cần nhập khẩu khoảng 5 - 5,5 triệu tấn.
+Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng trên 10%
Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu năm 2007 ước khoảng 13 triệu tấn, tăng trên 10% so với năm 2006. Xăng dầu là mặt hàng vẫn phải nhập khẩu 100% để đáp ứng nhu cầu trong nước. Do đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, năm 2007 cần nhập khẩu khoảng 13,3 triệu tấn/m3 (trong đó, nhập khẩu xăng là 4 triệu tấn/m3, diezel 6,9 triệu m3, mazuts 1,87 triệu tấn, dầu hỏa 290 ngàn m3, nhiên liệu bay 240 ngàn m3).
Bộ Thương mại chủ trương sẽ thực hiện giao dần quyền định giá cho các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối theo nguyên tắc bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho nhu cầu trong nước, ổn định nguồn thu ngân sách và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không lỗ. Để thực hiện, theo Bộ Thương mại, Nhà nước phải ổn định mức thuế nhập khẩu đối với từng loại xăng dầu trong một thời gian dài (tối thiểu là 1 năm) để các doanh nghiệp chủ động tính toán việc điều chỉnh giá bán phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới.