Thúc đẩy xuất khẩu bền vững sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản trong thời gian tới không chỉ là mục tiêu đặt ra đối với ngành nông nghiệp mà cũng đang là bài toán đặt ra đối với ngành Công Thương.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2018 đạt 40 tỷ USD, đòi hỏi ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp cần có hướng đi đột phá trong sản xuất và cung ứng sản phẩm.
|
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi các vụ kiện phòng vệ thương mại. (Ảnh: Tienphongcvnv) |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, xuất khẩu nhóm hàng nông sản vẫn chưa bền vững. Thị trường xuất khẩu vẫn tập trung ở thị trường Đông Á, nhiều mặt hàng vẫn được xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Ông Khánh cho hay, một số loại sản phẩm xuất khẩu vấp phải vấn đề lớn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều lô hàng đã bị trả về vì thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, truy xuất nguồn gốc tự phát. Trong khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và đã được giảm thuế, nhưng nhiều sản phẩm vẫn không vào được vì không đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo khó khăn trước sự sàng lọc mạnh mẽ của thị trường, thậm chí bị đào thải vì thiếu vốn cũng như chi phí logisitcs quá cao. Hơn nữa, việc phụ thuộc vào một số thị trường cũng khiến doanh nghiệp bị động nên rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, nhất là về vốn để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận thấy, sau 20 năm phát triển, thả nuôi và chế biến cá tra vẫn ở dạng sản phẩm thô, dù hiện nay hàm lượng giá trị gia tăng đã tăng nhưng xuất khẩu tiểu ngạch là lượng nhiều nên giá trị mang lại vẫn ít hơn so với xuất khẩu chính ngạch. Vì thế, ông Nam đề xuất cần có biện pháp trước mắt cấp giấy chứng nhận qua đường tiểu ngạch cho mặt hàng này.
Năm 2017 xuất khẩu gỗ đạt 7,7 tỷ USD và theo dự kiến của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), năm 2018, ngành gỗ dự kiến xuất khẩu đạt 9 tỷ USD. Nhưng để đạt được con số này, theo ông Quyền, trước hết cần giải quyết bài toán khó khăn về nguồn nguyên liệu.
Ông Quyền cho rằng, cần phải khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ liên kết và đầu tư cho người trồng rừng để có rừng gỗ mới đạt năng suất, chất lượng. Với gỗ nhập khẩu, vẫn có một rào cản về kiểm dịch thực vật, trong khi hàng năm các doanh nghiệp nhập khẩu tới chục triệu mét khối gỗ, nếu tất cả gỗ nguyên liệu đều phải kiểm dịch sẽ tăng cao chi phí của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Quyền, về lâu dài Việt Nam nên từng bước hạn chế bớt gỗ nhập khẩu để tăng cường sử dụng gỗ trong nước. Nhưng hiện nay, diện tích rừng trồng cả nước đã lên đến 4,5 triệu ha, mỗi năm cho khai thác từ 19-20 triệu ha nhưng gỗ dành cho sản phẩm xuất khẩu rất ít, do đó cần hết sức chú trọng công tác cải tạo chất lượng gỗ rừng trồng.
Đại diện một số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu cũng đề xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để sản phẩm gỗ có nguồn gốc minh bạch nhằm mang lại sự tin cậy cho khách hàng. Cần có định hướng cho doanh nghiệp chuyển cơ sở chế biến lên vùng sâu xa nhằm giảm chi phí vận chuyển, chi phí hạ tầng rẻ hơn, nhất là khi chi phí vận chuyển hiện nay quá cao, trong khi khối lượng vận chuyển gỗ lớn đang tạo ra điểm yếu cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ.
Đối với mặt hàng hoa quả xuất khẩu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước nhận định, việc nông dân mở rộng quy mô sản xuất liên tiếp, tràn lan, không theo quy hoạch khiến nguồn cung nội địa vượt nhu cầu thị trường. Từ đó, tạo sức ép lên giá cả trong nước, gây nhiều khó khăn và áp lực cho vấn đề tiêu thụ nông sản.
Đơn cử như mặt hàng dưa hấu, ông Đông cho biết, theo thống kê năm 2017, sản lượng dưa hấu cả nước đạt 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêu thụ giữa thị trường trong nước và quốc tế là hết sức chênh lệch (trong nước 80% và xuất khẩu 20%)./.
Theo VOV.VN