Theo VASEP, trong quý I năm nay, XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã đạt 101,1 triệu USD, tăng tới 45% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 23% tổng giá trị XK cá tra của Việt Nam. Với giá trị XK như trên, Trung Quốc - Hồng Kông đang tiếp tục là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, với đà tăng trưởng quá mạnh như hiện nay, Trung Quốc có thể chiếm tới 30% giá trị XK cá tra của Việt Nam.
Dự báo trong cả năm nay, XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Trước hết, nhu cầu NK cá tra của thị trường này vẫn rất lớn. Thị trường Trung Quốc lại có nhiều phân khúc đối với cá tra, từ cao cấp tới bình dân, do đó các DN Việt Nam có thể XK nhiều loại sản phẩm cá tra sang đây.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng nóng về XK cá tra sang Trung Quốc lại đang gây ra nhiều mối lo ngại. Mối lo ngại lớn nhất đến từ hoạt động XK tiểu ngạch. Hiện tại, cá tra đang được XK sang Trung Quốc bằng cả đường biển và đường bộ. Trong tháng 1, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc đạt 41 triệu USD, thì 56% trong đó là đi đường biển, 44% là XK qua đường bộ.
Với 2 nước có chung đường biên giới, việc XK qua đường bộ là chuyện bình thường. Điều đáng nói là khi XK qua đường bộ, một lượng lớn cá tra đang được xuất qua đường tiểu ngạch, làm giảm đáng kể giá trị XK cá tra sang Trung Quốc. Theo VASEP, giá của mỗi kg cá tra XK chính ngạch sang Trung Quốc đang cao hơn khoảng trên 1 USD so với giá cá tra XK tiểu ngạch. Trong khi đó, lượng cá tra XK tiểu ngạch lại chiếm tới 47% lượng cá tra XK sang Trung Quốc. Lượng XK cao, tới gần 50%, nhưng giá lại thấp hơn 1 USD/kg, nên giá trị XK cá tra tiểu ngạch chỉ chiếm khoảng 23% giá trị XK cá tra sang Trung Quốc. Như vậy, nếu phần lớn lượng cá tra đang đi tiểu ngạch được chuyển sang chính ngạch, chắc chắn giá trị XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông sẽ lớn hơn nhiều so với con số 101,1 triệu USD trong 3 tháng đầu năm.
Đáng lo ngại hơn là XK tiểu ngạch có nguy cơ làm giảm chất lượng, uy tín cá tra Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, nhất là khi có sự tham gia của nhiều thương nhân nước này ngay tại ĐBSCL. Thông tin từ một số doanh nhân ngành cá tra cho hay, nhiều thương nhân Trung Quốc đang có mặt ở ĐBSCL để mua cá tra. Họ không ra mặt trực tiếp mà thuê các DN, cơ sở Việt Nam đứng ra thu mua. Sau khi mua cá tra nguyên liệu, họ thuê luôn nhiều nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL gia công, sơ chế theo yêu cầu của họ (như xẻ bướm, cắt khúc…) rồi đóng container XK sang Trung Quốc dưới danh nghĩa của chính DN có nhà máy được thuê làm gia công.
Điều đáng nói là với những thương nhân Trung Quốc chuyên thu mua và XK cá tra về nước họ qua đường tiểu ngạch, thì không mấy quan tâm tới chất lượng. Ngay từ khâu mua cá tra nguyên liệu, nhiều thương nhân đã sẵn sàng mua cả cá không đảm bảo chất lượng XK. Họ lại càng không bận tâm tới tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam về cá tra XK. Do đó, cá tra XK qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang làm ảnh hưởng tới uy tín của cá tra Việt Nam tại thị trường này, khi mà Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính. Cuối năm ngoái, trên một trang báo điện tử chuyên ngành thủy sản của Trung Quốc, đã có bài viết đặt vấn đề lo ngại về chất lượng cá tra NK từ Việt Nam, về hiện tượng nhiều thương nhân Trung Quốc liên quan tới việc NK cá tra qua đường tiểu ngạch vào nước này.
Trước tình hình đó, VASEP đã có công văn kiến nghị Bộ NN-PTNT tăng cường kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra để đảm bảo chất lượng cá tra XK. Đồng thời, nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc và có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra sang thị trường này.
Quý I năm nay, XK cá tra đã đạt 438,2 triệu USD, tăng 18% so với quý I/2017. Các thị trường có mức tăng trưởng mạnh là ASEAN (tăng 56,5%), Trung Quốc - Hồng Kông (45%), Mỹ (22,7%)… Với mức tăng trưởng như trên, ASEAN đã vượt qua EU trở thành thị trường lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam với giá trị đạt 46,7 triệu USD trong 3 tháng đầu năm.
Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL trong những ngày đầu tháng 5 đang ở mức 32.000 - 33.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với tháng 4.
|
Theo Nông nghiệp Việt Nam