Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lại ’sốt’ cá
03 | 03 | 2008
Ngay từ đầu năm 2008, tình hình xuất khẩu cá da trơn đã diễn tiến hết sức thuận lợi. Hàng loạt doanh nghiệp đã và đang tăng công suất nhà máy. Nếu như năm trước, nông dân đổ xô đào ao nuôi cá, thì bây giờ doanh nghiệp ào ạt xây thêm nhà máy…

Cá lại lên ngôi!

Ngay từ mùng 4 Tết (âm lịch), công nhân của Công ty cổ phần Nam Việt (NAVICO) đã đồng loạt “xông đất” các phân xưởng chế biến. Hiện tại, công suất chế biến tại công ty “đại gia” trong ngành chế biến cá ở An Giang này hầu như đạt khoảng 100%, tương đương 1.000 tấn nguyên liệu/ngày. Chưa đầy hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của NAVICO đã đạt hơn 18 triệu đô la Mỹ - tăng khoảng 8% so cùng kỳ.

“Thị trường xuất khẩu cá đã hồi phục trở lại, riêng Nam Việt đã nối lại thị trường tiêu thụ tại 65 quốc gia”, một đại diện của NAVICO cho biết. Theo ông này, nếu đúng thông lệ hàng năm thì tình hình xuất cá chỉ tăng mạnh vào đợt hàng cho Giáng sinh và Tết Dương lịch, sau đó chựng lại đôi chút vào những tháng đầu năm, nhưng diễn biến hiện nay lại khác hẳn. Vào tháng 9-10 của năm 2007 - thời điểm xuất khẩu mạnh theo quy luật, giá cá nguyên liệu lại giảm chỉ còn 12.200-12.500 đồng/ki lô gam và lượng hàng xuất khẩu cũng không tăng mấy. Còn từ đầu năm, xuất khẩu lại rục rịch tăng mạnh, đương nhiên cá nguyên liệu cũng tăng theo để đạt mức trên 14.500 đồng/ki lô gam vào đầu tuần này.

Tại Cần Thơ, ông Lê Văn Hừng, Phó giám đốc Sở Thương mại cũng phấn khởi xác nhận thông tin khả quan về thị trường xuất khẩu cá da trơn. “Theo tính toán, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ xuất bình quân trên 40 triệu đô la Mỹ/tháng trong hai tháng đầu năm nay - tăng khoảng gấp đôi so cùng kỳ”, ông nói.

Lý giải chuyện cá trúng vụ “trái mùa” như vậy, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn thì nguyên nhân phần lớn do các nhà nhập khẩu. Trước Giáng sinh, do nắm được thông tin các doanh nghiệp Việt Nam đang rất dồi dào khả năng cung ứng, nên các nhà nhập khẩu cố tình án binh bất động chờ thời cơ “ém giá”. Rốt cuộc, nguồn hàng cung cho người tiêu dùng trong nước sắp cạn nhưng giá cá phía Việt Nam vẫn không giảm mấy, nên các nhà nhập khẩu buộc phải “mở cửa” trở lại.

Có thể các nhà nhập khẩu nắm thông tin không sai, chỉ có điều hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn chủ động được kho trữ lạnh, người nuôi - hiện phần lớn có vốn nhiều và nuôi với quy mô lớn, nên đều có khả năng giữ cá chờ giá.

“Thị trường xuất khẩu cá da trơn hiện nay khá ổn định và giá cá nguyên liệu trên dưới 15.000 đồng cũng tạm hài lòng cả doanh nghiệp và nông dân”, ông Bửu Huy, Phó giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm An Giang nhận định. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), dự kiến cả năm 2008, sản lượng nguyên liệu cá tra chế biến xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 20% so với năm 2007. Và mới đây, đoàn thanh tra của Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) đã sang kiểm tra điều kiện sản xuất và vệ sinh thủy sản của 24 doanh nghiệp có tên trong danh sách xuất khẩu vào Liên bang Nga, đồng thời kiểm tra ít nhất 15 doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vào Nga, trong đó tập trung vào các đơn vị sản xuất và xuất khẩu cá tra, basa và cá biển các loại. Nếu VPSS bổ sung thêm số lượng doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Nga, thì kim ngạch xuất khẩu cá sang thị trường tiềm năng này càng tăng mạnh.

Đón đầu quá sớm?

“Điều lo nhất là tốc độ tăng sản lượng nguyên liệu, tăng kim ngạch xuất khẩu cá lại không bằng tốc độ tăng công suất chế biến cá”, ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, lo lắng. Theo ông, hiện tại nhu cầu thị trường có thể chỉ tăng từ 10-15%/năm, trong khi công suất chế biến tăng 50-70%!

Như Công ty Nam Việt, vào tháng 4 này sẽ đưa thêm một nhà máy vào hoạt động, có công suất chế biến tối đa 700 tấn nguyên liệu/ngày! Còn ở Cần Thơ, Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam sau khi nâng công suất chế biến từ 100 lên 200 tấn nguyên liệu/ngày, cũng rục rịch đầu tư thêm một nhà máy chế biến cùng kho trữ lạnh có sức chứa 10.000 tấn…

Thống kê sơ bộ tại An Giang, sẽ có bốn nhà máy với tổng công suất 74.200 tấn thành phẩm/năm đi vào hoạt động trong năm 2008 này. Chưa hết, tỉnh này còn có năm dự án để nâng công suất chế biến lên thêm 134.400 tấn thành phẩm/năm sắp triển khai. Như vậy, nếu tính thêm chín dự án mới thì các doanh nghiệp tại An Giang có tổng công suất chế biến tối đa đến 0,4 triệu tấn thành phẩm/năm - tương đương 1,2 triệu tấn nguyên liệu/năm!

Còn tỉnh lân cận là Đồng Tháp - hiện có tám nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu với tổng công suất khoảng 100.000 tấn thành phẩm/năm, cũng đang có năm dự án đăng ký và triển khai xây dựng để nâng tổng công suất lên gấp đôi.

“Họ phát triển rất tự phát! Lo nhất là vấn đề môi trường. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng can ngăn nhưng không ai nghe! UBND các tỉnh lại tỏ ra rất hăng hái với các dự án này”, ông Khánh phân bua.

Có lẽ trong “cơn lốc” cá, các doanh nghiệp cá đều say mê mà quên “ngó” sang chia sẻ nỗi khổ của các đồng nghiệp chế biến tôm. Cách đây vài năm, “cơn lốc” tôm cũng kéo theo hàng loạt nhà máy, phân xưởng ào ạt mọc lên. Nhưng hiện nay? Theo Bộ NN & PTNT, hiện hầu hết các nhà máy chế biến tôm đều giảm từ 30-50% công suất chế biến vì thiếu nguyên liệu, đồng thời phải kiến nghị Bộ NN & PTNT giảm thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu còn 0% để đảm bảo hiệu quả.

Nhưng tôm nguyên liệu còn có thể nhập vì Thái Lan, Ấn Độ... đều có nuôi trồng. Nhưng còn con cá da trơn? Hầu như hiện chỉ có mặt ở vùng ĐBSCL của Việt Nam và tổng sản lượng dự kiến trong năm 2008 chỉ đủ cho các nhà máy ở An Giang hoạt động hết công suất - 1,2 triệu tấn!

Không cần phải đợi lâu, ngay bây giờ các doanh nghiệp xuất khẩu cá cũng đã thấm thía “trái đắng” của phong trào rầm rộ xây nhà máy. Tiền lương phải trả cho công nhân đã tăng bình quân khoảng 0,5 triệu đồng/tháng so với năm trước, nhưng công nhân vẫn nghỉ liên tục do sức “hút” về chế độ ưu đãi từ các nhà máy khác. Như ở Nam Việt, hiện có nhu cầu tuyển 8.000 công nhân cho nhà máy mới, nhưng chẳng biết khi nào mới đủ.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường