Sản phẩm TS của Việt Nam đã có mặt tại trên khắp 116 thị trường quốc tế, tạo chỗ đứng vững chắc ở nhiều thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Nhật và EU. Sức tăng trưởng khả quan này một phần lớn là kết quả của sự phát triển khá ồ ạt của hàng loạt các nhà máy chế biến trên khắp cả nước. Tính đến cuối năm 2007 số lượng các nhà máy chế biến và XKTS đã lên trên 450 cơ sở.
Sự phát triển nóng của ngành chế biến một mặt nào đó cũng tạo ra một sức ép khá lớn đối với khả năng tự cân đối nguồn nguyên liệu trong nước. Mấy năm gần đây, vấn đề NK nguyên liệu đã được ngành chế biến quan tâm và trong thực tế nhiều nhà máy đã tìm cách tự cân đối nguồn nguyên liệu cho cho mình bằng con đường này.
Cuối năm 2007, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển trong ngành thủy sản, trong đó có đề nghị lộ trình giảm thuế NK nguyên liệu thủy sản xuống 0%. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến đồng ý.
Kiến nghị trên xuất phát từ thực tế trong mấy năm gần đây hệ thống các nhà máy chế biến thủy sản phát triển nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng về sản lượng khai thác và nuôi trồng.
Năm 2006, năng lực chế biến thủy sản của các nhà máy tăng khoảng 20%, trong khi sản lượng khai thác và nuôi trồng chỉ tăng 7,6% so với năm 2005. Rất nhiều nhà máy chỉ hoạt động được từ 30-50% công suất thiết kế nên đã gây lãng phí lớn trong đầu tư phát triển. Tình hình thiếu nguyên liệu xảy ra trầm trọng nhất là các nhà máy chế biến ở miền Trung và miền Bắc, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau.
Hơn nữa, ngành thủy sản mang tính thời vụ cao, do vậy khi vào thời điểm giáp vụ tình trạng khan hiếm nguyên liệu càng nặng nề gây ảnh hưởng lớn đến các mặt kinh tế và xã hội. Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu cân đối và bù đắp thiếu hụt, chúng ta cũng cần quan tâm đến sự phát triển rộng lớn hơn của ngành chế biến xuất khẩu trong bối cảnh hoà nhập và cạnh tranh.
Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến thủy sản VN đã được trang bị những dây chuyền chế biến hiện đại, trình độ kỹ thuật và công nghệ cao, có thể ngang tầm khu vực và thế giới, vì vậy ngành chế biến hoàn toàn có khả năng NK nguyên liệu thô để chế biến và tái xuất các mặt hàng GTGT phù hợp với thị trường quốc tế nhằm khai thác triệt để tiềm năng thiết bị máy móc, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người dân. Xu hướng này đã phát triển khá mạnh từ nhiều năm nay ở Trung Quốc, Thái Lan và một vài nước ở Châu Âu, những nước có giá trị XKTS lớn trên thế giới.
Ngoài ra, một nhu cầu lớn khác đang gia tăng mạnh trong vài năm gần đây là thị hiếu tiêu thụ thủy sản mới lạ và cao cấp của nhiều người dân VN, nhu cầu này đã phát triển khá phong phú, góp một phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh sức tiêu thụ của thị trường trong nước.
Theo số liệu Hải quan, tính đến tháng 12/2007, VN đã NK nguyên liệu thủy sản từ trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Từ năm 2004 trở về trước, giá trị nhập đạt khoảng 90-100 triệu USD/năm. Giai đoạn 2005-2006, giá trị nhập đạt khoảng 200 triệu USD/năm.
Hiện tại, các loại thủy sản nguyên liệu được NK chủ yếu là các loài mà Việt Nam không có hoặc có nhưng nguồn lợi không dồi dào như tôm đông lạnh (chiếm khoảng 27%), cá đông lạnh (cá hồi, cá biển, cá hộp... 38%), mực, bạch tuộc (6%), các loại thủy sản khác (tôm hùm, nghêu sò... 28%).
Các nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho VN gồm: Trung Quốc - Hồng Kông, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Ðài Loan, ASEAN, Thái Lan và các nước khác. Theo dự báo của Bộ Thủy sản cũ, từ nay đến năm 2010, NK nguyên liệu thủy sản của VN sẽ tăng từ 8- 10%/năm, với giá trị khoảng 190 triệu USD/năm.