|
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực Long An. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN) |
Trong khi đó, toàn ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu năm nay đạt 40-40,5 tỷ USD, vượt mốc lịch sử năm 2017 (36,4 tỷ USD). Giữa bối cảnh các nước gia tăng bảo hộ, tình hình biến đổi khí hậu phức tạp và nhiều nông sản còn cần giải cứu, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần làm gì để đạt được mục tiêu trên?
Bức tranh xuất khẩu nhiều điểm sáng
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản tháng 4/2018 ước đạt 3,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 12,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 11,9%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13% và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,9%.
Những ngành hàng có sự gia tăng cả về sản lượng và giá trị như: gạo, hạt điều, cà phê, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ. Đáng chú ý, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả đã vượt qua cả kim ngạch xuất khẩu dầu thô và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp tốc độ tăng trưởng trên, ngành lúa gạo vươn lên trở thành điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu nông sản, 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,16 triệu tấn với 1,1 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 37,7% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 501 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2018 với 29,1% thị phần.
Tiếp tục trở thành “ngôi sao”, ngành rau quả bứt phá ngoạn mục khi 4 tháng qua, xuất khẩu rau quả đem về kim ngạch xuất khẩu 1,32 tỷ USD cho ngành nông nghiệp, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là lần đầu tiên rau quả vượt cả dầu thô về giá trị kim ngạch xuất khẩu (xuất khẩu dầu thô sau 4 tháng đạt 668 triệu USD) và được xem là mức tăng trưởng kỷ lục liên tiếp trong nhiều năm qua mà ngành rau quả nước ta đạt được.
Tiếp đến là hạt điều, 4 tháng qua vẫn duy trì sự tăng trưởng tốt trong xuất khẩu cả về sản lượng và giá trị. Khối lượng hạt điều xuất khẩu 4 tháng ước đạt 103.000 tấn với 1,04 tỷ USD, tăng 23,1% về khối lượng và tăng 31,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 34,4%, 13,6% và 13,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Trong 3 tháng đầu năm, trừ Australia, tất cả các thị trường xuất khẩu hạt điều chính của Việt Nam đều tăng mạnh.
Đối với mặt hàng cà phê, sau thời gian sụt giảm giá trị xuất khẩu, mặt hàng này đã lấy lại được sự tăng trưởng nhẹ. Trong tháng 4, xuất khẩu cà phê ước đạt 162.000 tấn với giá trị đạt 307 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng đạt 691.000 tấn với 1,3 tỷ USD, tăng 18,1% về khối lượng và tăng 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Hai lĩnh vực đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu toàn ngành là thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 4/2018 đạt 639 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2018, chiếm 77,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4/2018 ước đạt 650 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2018, chiếm 52% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Nỗ lực cán đích 40 tỷ USD
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn, để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt tối thiểu 3,0%, xuất khẩu đạt 40 - 40,5 tỷ USD, giải pháp ưu tiên số 1 là thị trường, thậm chí trên cả vấn đề thiên tai.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản làng/xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể. Chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản. Trong năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là chế biến rau quả và các sản phẩm chăn nuôi (gà, lợn) phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại cuộc họp giao ban tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5/2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tinh thần vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của các đơn vị thuộc Bộ đã góp phần tạo ra những kết quả tích cực cho ngành.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ chú trọng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi cùng các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện nội dung Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi để trình xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp trong tháng 5/2018; đồng thời chuẩn bị nội dung để tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành.
Đánh giá tổng thể bức tranh nông nghiệp qua những con số năm trước và tăng trưởng 4 tháng qua đã đem đến nhiều hy vọng về sự đóng góp của ngành nông nghiệp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, 4 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 12,3 tỷ USD (ước tính trung bình đạt 3,1 tỷ USD/tháng), đặc biệt trong bối cảnh nhiều loại nông sản đến mùa lại phát động giải cứu, như: dưa hấu, củ cải..., thậm chí tồn dư mía đường cao; nhiều rủi ro về biến đổi khí hậu… Trước những thực tế này, đòi hỏi cần rất nhiều sự nỗ lực của các bộ ngành liên quan, các cơ quan hải quan, cũng như doanh nghiệp phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, phấn đấu cán đích mục tiêu đề ra.
Theo KTNT